Trong khi nhóm doanh nghiệp "nhanh chân" ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận lên đến 86% thì nhóm doanh nghiệp còn lại, dù việc kinh doanh rất thuận lợi nhưng doanh thu và lợi nhuận vẫn sụt giảm so với cùng kỳ năm 2014.
Vừa qua, các doanh nghiệp địa ốc tại Tp.HCM đã niêm yết kết quả kinh doanh quý I/2015 tại 2 Sở giao dịch, qua đó cho thấy 2 xu hướng tăng giảm rất rõ rệt: Trong khi những doanh nghiệp “nhanh chân” trong phân khúc nhà ở trung bình khá với những dự án sẵn sàng cho việc bàn giao căn hộ và có vị trí đẹp có mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận so với cùng thời điểm năm ngoái khá cao (trên 86%) thì ngược lại, những doanh nghiệp hiện đang tập trung đầu tư/phát triển phân khúc nhà ở/đất nền trung bình khá có kết quả kinh doanh sụt giảm tới trên 30% so với cùng kỳ năm 2014.
Biểu đồ lợi nhuận sau thuế. Nguồn: Báo cáo tài chính của các công ty
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của 4/5 doanh nghiệp phát triển nhà ở/đất nền hạng B, C trong quý I vừa qua đã giảm từ mức 33% đến 97% so với cùng thời điểm năm 2014. Chỉ trừ Công ty CP Vạn Phát Hưng có lợi nhuận tăng, tuy nhiên chỉ đạt mức khá khiêm tốn với gần 2,5 tỷ đồng nhờ doanh thu lợi nhuận từ dự án La Casa. Cá biệt là trường hợp của Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy với lợi nhuận giảm mạnh từ mức 23,6 tỷ đồng tại thời điểm quý I/2014 xuống chỉ còn 0,6 tỷ đồng trong cùng kỳ năm nay.
Về mặt doanh thu, trong khi Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức có mức tăng trưởng doanh thu trong quý I năm nay đạt gần 170% thì Năm Bảy Bảy và Vạn Phát Hưng tăng trưởng khiêm tốn hơn rất nhiều, lần lượt là 21% và 18%. Hai doanh nghiệp có mức giảm khá mạnh là Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín– Sacomreal và Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh với lần lượt là 91% và 70% so với cùng kỳ năm 2014.
Biểu đồ tăng trưởng doanh thu thuần. Nguồn: Báo cáo tài chính của các công ty
Trong khi đó, biên lợi nhuận gộp của 3/5 doanh nghiệp địa ốc ghi nhận tăng và đạt mức 22% - 57%. Hai doanh nghiệp còn lại ghi nhận biên lợi nhuận gộp giảm nhẹ, tuy nhiên cũng giữ ở mức trên 22%.
Biểu đồ biên lợi nhuận gộp. Nguồn: Báo cáo tài chính của các công ty
Rõ ràng, doanh thu giảm mạnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp địa ốc nói trên.
Tuy nhiên, phân khúc bất động sản trung bình khá tại Tp.HCM hiện vẫn đang được đánh giá có thanh khoản tốt. Bên cạnh đó, dù có mức lợi nhuận và doanh thu giảm mạnh, nhưng các doanh nghiệp như Sacomreal vẫn đều đặn có dự án "bung hàng" trong những tháng gần đây. Giới quan sát cho rằng, hầu như các dự án đều “cháy hàng” ngay trong những ngày đầu tiên tổ chức mở bán.
Do đó, nhiều người không khỏi nghi ngờ đặt câu hỏi, liệu nhà ở/đất nền phân khúc trung bình khá đang khởi sắc cục bộ hay còn ẩn chứa vấn đề khác nữa? Phải chăng doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp địa ốc giảm chỉ là cục bộ và một số doanh nghiệp chịu ảnh hưởng điều chỉnh ghi nhận doanh thu/lợi nhuận là do quy định mới của Thông tư 200/2014/TT-BTC?
Bởi một lẽ, nếu xét về dòng tiền thì trong quý I năm nay, Sacomreal và BCCI, Vạn Phát Hưng đều là 3 doanh nghiệp có nguồn thu từ bán hàng, cung cấp dịch vụ… nhưng đều tăng lần lượt 128%, 64% và 14% so với cùng kỳ năm 2014. Hơn nữa, trong kỳ họp cổ đông thường niên vừa qua, đại diện của Sacomreal cũng từng thừa nhận rằng: mặc dù 2 dự án của doanh nghiệp này là Jamona City và Arista đã bán hàng nhưng theo chuẩn mực kế toán thì vẫn chưa đủ điều kiện ghi nhận doanh thu, cho nên trên sổ sách, doanh thu từ hai dự án này vẫn để ở dạng tồn kho.
Biểu đồ tiền thu từ bán hàng, cung cấp dịch vụ. Nguồn: Số liệu báo cáo lưu chuyển tiền tệ của các công ty
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]