Đoạn Metro ngầm ở Bến Thành - Nhà hát lớn Thành phố
Cách đây 3 năm, trong một lần trao đổi về thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, ông Nguyễn Thanh Bình (khi ấy còn là Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tín Nghĩa) chia sẻ, trong chiến lược đầu tư ra nước ngoài, doanh nghiệp các nước luôn nhận được sự hậu thuẫn từ chính phủ, hệ thống ngân hàng cũng như giữa các doanh nghiệp với nhau. Đó là lý do khiến họ đi rất nhanh khi bước chân vào thị trường mới.
Chẳng hạn như Toshin Development (Nhật Bản) - công ty con của Takashimaya đồng phát triển Trung tâm Thương mại Saigon Centre (giai đoạn 2) ở khu đất vàng Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Pasteur, quận 1, TP.HCM, hiện là nhà đầu tư muốn tham gia phát triển Trung tâm Thương mại ngầm Bến Thành thuộc tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.
Ông Lê Nguyễn Minh Quang - Trưởng ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, Thành phố đã đề xuất với Thủ tướng chọn Toshin làm chủ đầu tư công trình này vì họ là doanh nghiệp có kinh nghiệm trong việc khai thác các trung tâm thương mại ngầm ở nước ngoài.
Hơn nữa, phía sau Toshin là sự hỗ trợ từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Chính phủ Nhật. Nếu Toshin được chấp thuận thì phía Nhật sẽ tài trợ tiếp một phần vốn ODA cho các hạng mục và dự án khác (công trình công cộng cho các công trình ngầm trung tâm Bến Thành và nhà ga thuộc tuyến Metro số 2).
Theo dự toán, trung tâm thương mại ngầm sẽ được thực hiện với 3 nguồn vốn là ODA, hợp tác công - tư (PPP) và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó phần vốn ODA chiếm khoảng 58% tổng mức đầu tư, tương ứng khoảng 4.786 tỷ đồng.
Không chỉ các nhà đầu tư Nhật mà trước đây, khi tham gia xây dựng đại lộ Phạm Văn Đồng (TP.HCM) theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), Tập đoàn GS E&C của Hàn Quốc cũng đã tính toán mặt lợi ích kinh tế về sau, đó là việc khai thác 5 khu đất ở các khu vực "đắc địa" ở quận 10, quận 2.
Hiện các nguồn vốn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Đức tiếp tục đổ vào để phát triển các tuyến Metro, đường vành đai nhằm khép kín hạ tầng giao thông TP.HCM. Nếu chỉ xét về hiệu quả, với những nguồn tài trợ ODA, dù lãi suất cho Việt Nam vay thấp cũng sẽ tốt hơn nhiều nếu để trong nước, vì ngay như lãi suất ở Nhật trong những năm gần đây luôn dưới mức 2%/năm, thậm chí là 0%.
Đó là chưa kể chính bản thân các doanh nghiệp được sự hỗ trợ từ phía chính phủ của họ cũng có kinh nghiệm để "biến đất thành tiền" thông qua các hợp đồng đổi đất lấy hạ tầng.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]