Dị ứng thực phẩm là gì?
Hầu hết các bệnh dị ứng thực phẩm nghiêm trọng bắt đầu trong giai đoạn phôi thai và trẻ nhỏ, được gây ra bởi một số lượng tương đối nhỏ các loại thực phẩm khác nhau. Trong đó, dị ứng sữa và trứng là phổ biến và có xu hướng biến mất sau khi bé lớn lên. Các thực phẩm phổ biến khác gây dị ứng sẽ khác nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh nơi sống. Chẳng hạn, dị ứng đậu phộng khá phổ biến ở Mỹ, Anh và Úc, nhưng ở Đông Nam Á và Nam Âu, cá và hải sản lại là trường hợp có nhiều người dị ứng hơn hẳn.
Cơ chế gây dị ứng là do hệ miễn dịch của cơ thể trở nên “bối rối” trước những thành phần của thực phẩm và gây phản ứng tạo ra histamine, “thủ phạm” chính gây nên các triệu chứng dị ứng cổ điển như phát ban, sưng phù. Nghiêm trọng hơn, dị ứng thức ăn có thể gây sốc phản vệ, có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Trong số các loại dị ứng, dị ứng thực phẩm là loại phổ biến nhất, khi có đến hơn 8% trẻ em từ 3 tuổi trở xuống bị dị ứng một loại thực phẩm nào đó. Nếu gia đình bạn có tiền sử bị dị ứng, nguy cơ bé bị dị ứng cũng sẽ cao hơn rất nhiều. Trẻ bị hen suyễn, chàm eczema hay viêm mũi dị ứng sẽ cũng có nguy cơ dị ứng thực phẩm cao hơn những bé khác.
Biểu hiện khi trẻ bị dị ứng thực phẩm
Các nghiên cứu gần đây cho thấy có đến 40% trẻ nhỏ có nguy cơ dị ứng thức ăn, trong đó nhiều trường hợp chỉ ăn những loại thức ăn bình thường hằng ngày nhưng do cơ địa dị ứng nên gây ra tình trạng sốc phản vệ. Dị ứng thực phẩm đôi khi có biểu hiện rất mơ hồ và nhẹ nhàng như thái độ chán ghét thức ăn, thay đổi khí sắc sau khi ăn… Tình trạng này cũng hay xảy ra ở trẻ em khiến nhiều bậc cha mẹ thấy con mình không muốn ăn mà không thể tìm ra nguyên nhân, càng ép ăn trẻ càng chán ăn một hay vài loại thực phẩm nào đó. Hiện tượng trên kéo dài lâu ngày có thể đưa đến tình trạng suy dinh dưỡng. Một số thực phẩm dễ gây dị ứng là hải sản, trứng, sữa bò…
Trước khi trẻ có phản ứng dị ứng với loại thức ăn nào đó thì bé phải tiếp xúc với thức ăn đó ít nhất một lần. Nhẹ thì da có thể nổi mề đay, phù mạch, đau bụng, tiêu chảy; nặng hơn thì có phản ứng sốc phản vệ: khó thở, tím tái, co thắt phế quản, rối loạn nhịp, nhịp tim tăng, hạ huyết áp… Quá trình này diễn biến rất nhanh, nhiều trường hợp nếu không được cấp cứu kịp thời trẻ có thể tử vong. “Khác với người lớn dị ứng thức ăn có thể biểu hiện ở cả đường tiêu hóa, da, còn ở trẻ đôi khi chỉ biểu hiện duy nhất ở đường tiêu hóa vì thế việc phát hiện bệnh rất khó. Không ít trường hợp bị dị ứng thức ăn nhưng có biểu hiện lâm sàng như rối loạn tiêu hóa nên có thể gây nhầm lẫn.
Dựa vào tiền sử bệnh dị ứng của bố mẹ, có thể xác đinh được nguy cơ dị ứng của bé ngay khi còn nằm trong bụng mẹ. Chẳng hạn cả bố mẹ cùng mắc các bệnh dị ứng thì 50%-80% con nguy cơ mắc. Nếu một trong hai bố mẹ bị thì khoảng 20%-40% con có nguy cơ. Do đó trẻ sinh ra trong những gia đình có cả bố và mẹ bị dị ứng hoặc một trong hai người bị dị ứng cần chú ý đề phòng dị ứng sớm qua chế độ ăn. Ngoài ra, trẻ em dưới 1 tuổi là đối tượng dễ bị dị ứng nhất vì ở độ tuổi này hệ thống miễn dịch và hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện. Nếu cha mẹ thấy trẻ có các triệu chứng như nổi mẩn đỏ, ngứa khắp người, sưng phù môi, mắt...; có thể khàn tiếng, hắt hơi, ho, khò khè, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, khó thở... cần đưa ngay trẻ tới BV nếu không trẻ có thể tụt huyết áp, trụy mạch, suy hô hấp và tử vong.
Một số thực phẩm phổ biến có thể gây dị ứng cho trẻ mẹ cần biết
Dị ứng sữa là một trong những dạng dị ứng phổ biến ở trẻ đặc biệt là trẻ đang trưởng thành, chiếm khoảng 2,5%. Theo các chuyên gia, trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn sẽ ít có khả năng bị dị ứng hơn so với các bé uống sữa bột công thức. Các bác sĩ chuyên gia còn khuyến cáo các mẹ không nên cho trẻ dưới 1 tuổi dùng sữa bò vì trong sữa bò có hàm lượng protein cao có thể khiến trẻ bị dị ứng. Hầu hết những đứa trẻ bị dị ứng với sữa bò cũng sẽ phản ứng tương tự với sữa dê và sữa cừu.
Trứng rất bổ dưỡng và có lợi cho sức khỏe, nhưng khi cho trẻ sơ sinh ăn trứng mẹ cần lưu ý vì đây là một trong các thực phẩm dễ gây dị ứng (chủ yếu là dị ứng với các protein trong lòng trắng trứng) cho trẻ. Các triệu chứng dị ứng trứng thường xảy ra một vài phút đến vài giờ sau khi ăn trứng hoặc các loại thực phẩm có chứa trứng. Các dấu hiệu và triệu chứng từ nhẹ đến nặng và có thể bao gồm phát ban da, nổi mề đay, viêm mũi, và nôn mửa hoặc các vấn đề tiêu hóa khác hoặc thậm chí nguy hiểm hơn là gây ra sốc phản vệ - một phản ứng đe dọa tính mạng.
Dị ứng cá có thể gây ra các phản ứng nghiêm trọng, bao gồm cả sốc phản vệ. Dị ứng cá thường gây biểu hiện ngoài da và tiêu hóa, xuất hiện ngay sau khi ăn. Những người phản ứng với một loại cá thường cũng dị ứng với các loài cá khác. Cá hồi, cá ngừ và cá bơn là một trong những loại cá dễ gây dị ứng cho trẻ nhỏ. Trong gia đình có ai bị dị ứng với tôm, cua, cá không, nếu có hãy đợi đến khi bé được 2 tuổi mới cho bé ăn cá. Điều này sẽ giúp bé giảm nguy cơ bị dị ứng với đồ biển.
Lúa mì có protein có thể gây ra phản ứng với hệ thống miễn dịch của cơ thể. Khi cơ thể bé không tiêu hóa được chất gluten (một loại protein) có trong lúa mì và các loại ngũ cốc thì sẽ gây ra dị ứng. Trẻ bị dị ứng với lúa mì sẽ làm ngăn cản sự hấp thu vitamin và khoáng chất từ thực phẩm, khiến bé bị thiếu hụt dưỡng chất. Chính vì vậy, tốt nhất, trong 6 tháng đầu, các mẹ không nên cho bé ăn các thực phẩm chứa gluten.
Các loại hải sản có vỏ như tôm, cua, sò, ốc… là thực phẩm gây dị ứng cho trẻ, vì vậy các bác sỹ khuyên các mẹ không nên cho bé dưới 1 tuổi ăn hải sản. Trẻ dị ứng với tôm cua cũng thường dị ứng với các loài nhuyễn thể như trai, sò, ốc, hến, ngao, mực, bạch tuộc...Một số trẻ chỉ bị dị ứng trong một khoảng thời gian nào đó, nhưng số khác lại bị suốt cả đời. Dạng dị ứng này có thể gây ra phản ứng nghiêm trọng nên nếu mẹ nhận thấy bé có biểu hiện bất thường sau khi ăn những đồ ăn hải sản thì cần ngừng ngay lại và cho con đến gặp bác sĩ để điều trị.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]