Các bé dù rất nhỏ sẽ nhanh chóng có "phản xạ" với việc bị tiêm, như quấy khóc, khó chịu, nôn mửa... vì những đau đớn do mũi kim và vắc xin mang lại. Một số trẻ sẽ gặp các phản ứng sau tiêm như sưng, đau tại vết tiêm, sốt, nổi mẩn và hãn hữu có thể có những phản ứng sau tiêm nặng nề hơn. Các bà mẹ, ông bố sẽ thực sự cảm thấy xót xa và lo lắng cho những thiên thần nhỏ bé của mình. Nhưng bạn hãy thư giãn, tiêm chủng là việc cần làm để bảo vệ trẻ. Cách tốt nhất bạn có thể làm là trợ giúp cho trẻ để vượt qua những khó chịu này.
Cho bé bú và ôm ấp
Nếu mẹ nuôi con bằng sữa mẹ, đừng ngại cho con bú trước, trong và sau khi trẻ tiêm phòng. Hương vị ngon ngọt từ sữa mẹ sẽ làm sao nhãng mọi tác động từ bên ngoài, kể cả mũi kim. Nếu bé bú bình, mẹ có thể cho bé ngậm vú giả đã nhúng nước đường để làm dịu cơn đau của bé.
Cho bé bú là cách tốt nhất trước, trong và sau khi trẻ tiêm phòng
Nên ở ngay cạnh trẻ khi tiêm để có thể làm phân tán tư tưởng của trẻ và giúp trẻ bình tĩnh hơn trong suốt quá trình tiêm chủng. Một lựa chọn lý tưởng là hãy bế trẻ, ôm bé vào lòng nhưng hãy chắc chắn rằng sẽ để lộ phần cánh tay hoặc đùi của trẻ ra ngoài để các nhân viên y tế có thể tiêm dễ dàng hơn.
Những trẻ lớn hơn một chút có thể ngồi lên đùi, mặt đối mặt với bạn để bé có thể nhìn thấy bạn như là một chỗ dựa vững chắc trong suốt thời gian tiêm chủng. Ôm bé ở tư thế đứng, giữ bé dịu dàng trước, trong và sau tiêm. Mẹ nên ngồi trên ghế ôm con để tránh nguy cơ té ngã khi cả bạn và bé mất bình tĩnh.
Thái độ của mẹ
Giữ thái độ bình tĩnh, nói chuyện với trẻ với giọng như bình thường. Cách này không làm trẻ hoảng loạn, lo lắng. Trẻ cảm nhận mẹ thế nào, sẽ cố gắng làm theo tương tự. Nếu mẹ lo sợ khi phải chứng kiến con bị đau khi tiêm, hít thở sâu để giữ bình tĩnh. Mẹ có thể làm điều này khi ôm bé.
Gây sao lãng bé trong khi tiêm phòng
Ca hát, nói chuyện hoặc trêu đùa với bé khi tiêm. Mẹ có thể đánh lạc hướng bé bằng đồ chơi hoặc phá lệ cho bé tiếp xúc với điện thoại thông minh. Đừng quên giải trí thêm cho con sau tiêm nữa mẹ nhé!
Cách giảm đau cho bé
Dùng gel hoặc kem gây tê để giảm đau cho bé: Để giảm đau cho bé, mẹ có thể hỏi ý kiến của bác sĩ về việc dùng gel hoặc kem gây tê để bôi vào chỗ tiêm của bé. Gel và kem gây tê sẽ đi xuyên qua da bé có tác dụng làm giảm đau sau khi tiêm phòng rất công hiệu.
Ngoài ra, những sản phẩm này đã được chứng minh là an toàn với trẻ sơ sinh. Cách dùng như sau, mẹ dùng một lượng gel/kem khoảng 1g bôi lên chỗ tiêm của bé 60 phút trước khi tiêm để thuốc phát huy tác dụng.
Cho bé uống nước đường: Nước đường hoàn toàn vô hại với trẻ nhỏ. Ngoài ra, nước đường còn có tác dụng giảm đau rất tốt. Vì thế, mẹ dùng một chút đường trắng pha với nước sôi để nguội và cho bé uống trước giờ khi tiêm từ 1-2 phút.
Cho bé uống nước đường khi tiêm phòng giúp giảm đau
Sau khi tiêm, bạn có thể xoa nhẹ vùng da xung quanh chỗ tiêm nhưng lưu ý không được xoa trực tiếp bên trên vết tiêm. Việc mát xa nhẹ nhàng có thể giúp trẻ thư giãn và giảm cảm giác đau do việc tiêm chủng gây ra. Một nghiên cứu trên người trưởng thành chỉ ra rằng, những người được xoa nhẹ nhàng lên da sau khi tiêm khoảng 10 giây sẽ ít bị đau hơn. Một nghiên cứu khác lại cho thấy, ấn mạnh lên da trước khi tiêm cũng có tác dụng giảm đau.
Sau khi tiêm vắc-xin, chỗ da bị tiêm của trẻ sẽ dễ sưng phồng hoặc bị viêm khiến con của đau đớn và khó chịu. Những lúc này bạn sẽ thấy trẻ quấy khóc nhiều hơn, thậm chí bị sốt. Để làm dịu cơn sốtcủa trẻ, bạn có thể cho một viên đá nhỏ xoa lên lòng bàn tay của mình rồi áp tay nhẹ lên vết tiêm. Biện pháp này cũng giúp tránh viêm nhiễm sau khi tiêm phòng.
Tuy nhiên khi chườm đá lên chỗ tiêm, bạn cần chú ý không được thoa đá trực tiếp lên da của bé vì da trẻ con rất mỏng nên rất dễ bị bỏng lạnh. Các mẹ nên bọc đá trong một chiếc khăn cotton, áp lên da của bé trong vài giây rồi nhanh chóng lấy ra. Đồng thời bạn cũng chỉ nên chườm như vậy 2 – 3 lần trong ngày, tránh chườm đá quá nhiều. Trước khi chườm bạn cần rửa tay thật sạch để tránh nhiễm trùng vết tiêm trên da của bé.
Cho con bạn sử dụng acetaminophen (Tylenol) một thời gian ngắn trước khi tiêm có thể giúp trẻ bớt đau khi tiêm. Tylenol cũng có thể làm giảm các cơn sốt nhẹ xảy ra sau tiêm chủng. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, sử dụng Tylenol để phòng cơn sốt có thể làm giảm hiệu quả của vaccine. Do vậy bạn nên hỏi ý kiến của bác sỹ về việc dùng thuốc giảm đau và thời điểm dùng thuốc trước khi dùng bất cứ loại thuốc giảm đau nào cho trẻ.
Chú ý đến bé
Sau khi tiêm phòng từ 1 – 2 ngày, bạn nên chú ý đến con nhiều hơn. Điều này sẽ giúp bạn biết được những phản ứng phụ của trẻ sau khi tiêm để có các biện pháp xử lý kịp thời. Tuy nhiên, bạn cũng không nên quá lo lắng khi thấy trẻ bị sốt nhẹ sau khi tiêm chủng bởi lúc này cơ thể trẻ đang phải thích ứng với lượng thuốc vừa được tiêm vào người. Đối với trẻ sơ sinh hoặc dưới 6 tháng tuổi, các mẹ có thể áp dụng phương pháp da tiếp xúc da để giúp trẻ hiểu rằng bạn luôn ở bên cạnh chúng.
Chú ý đến hoạt động của bé sau thời gian tiêm phòng
Phần lớn các mũi tiêm vắc-xin dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đều được thực hiện ở phần đùi, ngoại trừ một số mũi tiêm ở bắp tay. Vị trí bị tiêm thường sưng tấy và rất đau nhức, khiến trẻ gặp khó khăn trong chuyện di chuyển. Vì vậy, bạn nen hạn chế cho trẻ di chuyển sau khi tiêm. Việc bò, đứng dậy hoặc bước đi có thể khiến vết tiêm thêm sưng tấy.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]