Giáo sư Lân cho biết thông tin trên tại buổi họp báo của Bộ Y tế, nhưng nội dung cụ thể về ca nhiễm BA.5, thời gian phát hiện, đặc điểm dịch tễ... chưa được tiết lộ. Theo ông Lân, việc xuất hiện biến chủng mới được cảnh báo từ trước, là tất yếu do sự mở cửa giao lưu về kinh tế, thực hiện bình thường mới.
Biến chủng BA.5 lần đầu được phát hiện tại Nam Phi vào tháng 1, đến nay, nó đã trở thành chủng phổ biến tại một số quốc gia như Isarel, Đức... Một số đánh giá nhỏ lẻ cho thấy BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến chủng cũ (BA.2), song chưa có bằng chứng về tỷ lệ trở nặng. Do đó, Bộ Y tế tiếp tục theo dõi biến chủng mới và thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ đó điều chỉnh và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Mẫu nCoV dưới kính hiển vi. Ảnh: NIAID
Biến chủng mới xuất hiện trong bối cảnh hai tháng qua, Việt Nam ghi nhận 142.000 ca mắc Covid-19, song tỷ lệ tử vong trên số mắc thấp, dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát.
Trên thế giới, số mắc và tử vong do Covid cũng có chiều hướng giảm, song các chuyên gia đánh giá dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp ở một số khu vực, nhiều nước lo ngại làn sóng mới bùng phát trong mùa hè.
WHO cho rằng nhân loại vẫn ở giai đoạn đại dịch, Omicron chưa phải biến chủng cuối cùng, do đó, các nước cần tiếp tục duy trì tiêm vaccine, giám sát trọng điểm...
Cùng quan điểm, giáo sư Lân nói vaccine vẫn là lá chắn bảo vệ cộng đồng, người dân cần đi tiêm vaccine đúng quy định, đúng liều để phòng chống dịch.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]