Bố mẹ tuyệt đối không nên dùng "ông ba bị" để dọa con vì nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần của trẻ.
Ở Việt Nam, đa số trẻ em đều ít nhất một lần bị bố mẹ mang những hình tượng ghê rợn ra dọa. Những câu thường gặp như: “ông ba bị bắt”, “ông kẹ bắt”, “ma bắt”, “nhốt vào bóng tối”, lớn hơn một chút thì là: “không học thì đi bơm xe”, “không làm sẽ bị một trận đòn”,…
Thậm chí có ông bố bà mẹ "độc đáo" hơn thì lấy luôn hình ảnh một người... hàng xóm có hình dáng dữ tướng để dọa con. Ngoài ra còn có một số câu đe dọa khác như "Con mà không chịu ăn thì mẹ bán cho ông X. hàng xóm; "Con mà cứ đòi ra đường thì mẹ gọi ông công an đến bắt" hoặc "Con mà hư thì bố mẹ không nuôi nữa" ...
Sau khi sử dụng những kiểu dọa dẫm trên, ngay lập tức bố mẹ có thể ngăn cấm được trẻ thực hiện một hành động sai trái nào đó và bắt trẻ phải làm theo ý muốn của mình. Tuy nhiên, không có nhiều bố mẹ nghĩ đến những hệ lụy của hành động này. Nhiều đứa trẻ hay bị bố mẹ, người lớn dọa sẽ mang theo nỗi sợ hãi, ám ảnh in sâu trong tâm hồn, cùng trí tưởng tượng phong phú của trẻ dẫn đến sự nhút nhát, sợ hãi, thậm chí hoảng loạn cho trẻ.
Chẳng hạn như nhiều trẻ đã ở tuổi thiếu niên nhưng rất sợ bóng tối. Bởi vì lúc còn nhỏ bố mẹ của em thường dọa nếu em đòi đi chơi khi trời đã tối thì sẽ bị ma quỷ bắt xuống địa ngục.
Chẳng hạn như nhiều trẻ đã ở tuổi thiếu niên nhưng rất sợ bóng tối. Bởi vì lúc còn nhỏ bố mẹ của em thường dọa nếu em đòi đi chơi khi trời đã tối thì sẽ bị ma quỷ bắt xuống địa ngục. Nỗi sợ hãi đó in sâu trong tâm hồn hãy còn non nớt của em và được nhân lên cùng với trí tưởng tượng phong phú của trẻ nhỏ khiến bé rất khó tự tin khi màn đêm buông xuống. Có đứa trẻ cứ trông thấy những người mặc áo quần cảnh sát, công an là ù té chạy, vì người thân của bé thường mang "ông công an" ra dọa mỗi khi bé không vâng lời. Thậm chí, có đứa trẻ cứ trông thấy một người cụ thể nào đó ở gần nơi bé sống là khóc thét lên, vì theo lời bố mẹ dọa đó là "ông ba bị" chuyên bắt trẻ con.
Ngoài ra, những câu đe dọa vô tình của bố mẹ có thể làm cho đứa con trở nên mất tự tin khi giao tiếp với môi trường xung quanh, bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Trong những trường hợp trẻ quá sợ hãi, bố mẹ và những người thân khác lại phải mất rất nhiều thời gian để "sửa sai" bằng cách giảng giải cho trẻ hiểu thứ mà trẻ sợ thực chất không có gì đáng sợ.
Nhưng ngược lại ở một số trẻ, khi bố mẹ càng sử dụng biện pháp này nhiều thì hiệu quả càng thấp, dọa nhiều quá sẽ phản tác dụng, giống như dùng thuốc vậy, dù thuốc tốt mấy mà uống lắm cũng nhờn và dọa con nhiều cũng chứng tỏ sự bất lực ở bố mẹ.
Sẽ có những trường hợp bố mẹ cần những câu nói có tính chất răn đe. Nhưng bố mẹ tuyệt đối không nên lợi dụng quá đáng trạng thái sợ hãi của trẻ, có thể dẫn đến tình trạng kinh hoàng, hoảng loạn. Đặc biệt, trẻ dễ mắc chứng sợ hãi trong trường hợp những "gia đình biến dạng", tức là gia đình mà các thành viên có những vấn đề đặc biệt, như: bố mẹ ly thân, ly hôn; bố hoặc mẹ mất sớm; trẻ phải sống chung với bố dượng, dì ghẻ, con riêng của chồng hoặc vợ; đứa trẻ là con nuôi.
Theo nghiên cứu của các nhà tâm lý học, thay vì việc dọa con thì các bậc bố mẹ cần đầu tư thời gian và trí lực, cần hiểu tâm lí của con mình, “kiên quyết nhưng mềm mỏng”, và luôn “nói lời tích cực” với con. Biện pháp này sẽ có tác dụng hơn hẳn việc đe dọa trẻ.
Bố mẹ là người sinh ra con nhưng điều này không đồng nghĩa với việc muốn nói gì làm gì cũng được. Vì người lớn phải luôn học hỏi, học ở sách vở, học ở mọi người và học chính từ con mình để mình điều chỉnh lời nói, hành vi cho đúng, được quyền dạy con. Nói chuyện với con hãy luôn nhẹ nhàng, mềm mỏng, kiên quyết nhưng không được làm con lo sợ, không làm tổn thương tâm lí, không làm con buồn.
Tốt hơn hết bố mẹ nên giải thích cặn kẽ mỗi khi trẻ phạm lỗi hoặc trẻ chưa nghe lời người lớn, học cách phân tích cho trẻ cái hay, cái được, của việc trẻ cần làm cũng như cái bất lợi của việc trẻ không làm. Một khi trẻ đã nhận ra lỗi sai thì sẽ tự giác thực hiện mà không cần bố mẹ rầy la hay dọa nạt.
Đây cũng là một cách cực kỳ khoa học và thông minh, trẻ cũng sẽ học được những cách ứng xử đẹp của bố mẹ để trở thành người tốt hơn trong tương lai.
Và bố mẹ cũng nên nhớ tuyệt đối không dùng các hình tượng siêu thực như "ông ba bị" hay "ông kẹ" bởi cách này chỉ chứng tỏ rằng bố mẹ đã bất lực trước trẻ mà thôi.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]