Ảnh minh họa: Internet
Tác hại của việc thường xuyên khen ngợi
Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng càng trao thưởng cho trẻ khi chúng làm được điều gì đó, càng dễ làm chúng mất hứng thú với việc đó. Lúc này, trẻ không còn thực sự muốn vẽ, muốn đọc, muốn suy nghĩ và sáng tạo, mà chỉ chăm chăm nghĩ đến phần thưởng.
Những đứa trẻ được cho tiền khi đạt điểm tốt không còn thấy vui với việc bản thân làm tốt mà chỉ cố gắng vì tiền thưởng. Thậm chí, một số trẻ có thể gian lận vì điều này. Những lời khen ngợi cũng có tác dụng tương tự như phần thưởng hữu hình.
Những đứa trẻ được khen ngợi khi đọc sách sẽ cho rằng bản thân việc đọc sách không phải là một phần thưởng bổ ích. Những đứa trẻ được khen khi ăn rau sẽ thấy rằng rau không phải một thực phẩm ngon lành. Tương tự, những đứa trẻ được khen ngợi khi biết chia sẻ bắt đầu chia sẻ ít đi khi không có người lớn, bởi chúng học được rằng không có mấy ai chia sẻ với người khác.
Hầu hết các bậc cha mẹ đều hiểu rằng những lời chê trách, chửi mắng sẽ tác động tiêu cực đến trẻ em. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ không hề biết rằng những lời khen quá liều cũng có thể mang lại tác động tương tự. Trẻ được khen thông minh không muốn chứng minh điều ngược lại, do đó chúng tránh những tình huống thể hiện mặt kém cỏi của mình. Kết quả, chúng sẽ từ bỏ những công việc mà nếu cố gắng hơn một chút thì chúng đã làm được. Ngược lại, khi chúng ta nhận xét rằng trẻ đang thực sự cố gắng làm việc gì đó, chúng sẽ chăm chỉ hơn.
Tệ hơn cả, trẻ được khen nhiều sẽ cho rằng mọi người xung quanh đang liên tục đánh giá chúng. Do đó, chúng e dè khi phải bộc lộ quan điểm bản thân và lo ngại liệu mình có bị đánh giá hay không. Hãy nhớ, khen ngợi quá mức sẽ làm trẻ cho rằng giá trị thực sự của chúng không xuất phát từ bản thân mà từ những lời khen của người khác.
Nhìn chung, khen quá nhiều sẽ mang lại những tác động tiêu cực như sau:
- Làm giảm khả năng tự giác thực hiện các hành vi mà trẻ từng được khen.
- Làm giảm sự tự tin của trẻ.
- Khiến trẻ luôn tìm kiếm phản hồi từ những người xung quanh để cảm thấy ổn về bản thân.
- Khiến trẻ không còn thấy vui mừng, hào hứng khi hoàn thành một công việc nào đó.
- Trẻ lo ngại sẽ bộc lộ điểm yếu kém của bản thân, do đó không dám đương đầu với thách thức.
Khen ngợi con như thế nào là hợp lý?
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn không nên dành cho con những lời khen. Bạn nên khiến trẻ cảm thấy chúng được nhìn nhận đúng bản chất sự việc, đồng thời được tôn trọng và khuyến khích thể hiện bản thân. Cụ thể:
- Nhìn nhận cố gắng của con và để con biết điều đó.
- Hiểu và đồng cảm với cảm xúc của con.
- Coi trọng nỗ lực và sự thực hành, chứ không phải kết quả.
- Chỉ cho con thấy kết quả hành động của con.
- Bày tỏ cảm xúc, bao gồm cả lòng biết ơn, sự trân trọng bạn dành cho con.
Theo Ngọc Khanh - yeutretho.com
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]