Chị làm “dâu hờ” của bà ba năm nay và chưa một lần chị được bước chân vào nhà chồng. Đã mấy lần từ Hà Nội về Hải Phòng chơi, lần nào đi qua nhà chồng, mắt chị lại rơm rớm.
Chị là người phụ nữ hiền dịu nết na, có ăn học và công việc ổn định. Song cái số dường như thích trêu ghẹo những người như chị. Chị yêu anh say đắm. Anh là bác sĩ một bệnh viện lớn và có phòng khám ngoài. Chỉ khi yêu anh một thời gian dài, chị mới phát hiện anh đã có vợ và hai con.
Chị tính rời bỏ anh khi biết tin động trời đó. Nhưng một lần nữa, anh lại lợi dụng tính thật thà tin người đến ngu ngốc của chị. Anh tiếp tục lừa chị rằng hai đứa trẻ đó không phải con ruột của anh, anh và vợ cũ chỉ nên vợ nên chồng do bị ép buộc, rằng không thể đưa chị về ra mắt mẹ chồng trước cưới do bà sẽ không bao giờ đồng ý cho anh tự ý kết hôn.
Thế là chị tự nguyên khăn gói “theo không” về làm vợ anh. Và tất nhiên chị và anh không tổ chức đám cưới linh đình và cũng chẳng có đăng ký kết hôn (Anh toàn viện cớ này cớ nọ để trì hoãn việc này trước đám cưới). Có được đám cưới nhỏ này tổ chức trên Hà Nội, giờ chị mới biết anh có lẽ đã tốn bao nhiêu nước bọt để nói dối chị và gia đình chị.
Chính thức làm vợ anh, tuy vợ chồng chị ở trên Hà Nội còn mẹ chồng vẫn ở quê Hải Phòng. Nhưng sau khi sống cùng anh chẳng bao lâu, chị mới thấy rõ chân tướng lừa dối của chồng mới cưới. Chị cay đắng thấm thía cảnh dâu hờ, vợ tạm.
Lúc đầu mẹ chồng chị thường gọi điện lên chửi mắng chị sa sả vì đã chen ngang vào gia đình khi không được sự cho phép của bà. Bà còn ra lệnh cho 2 đứa em của anh đến tận nhà chửi rủa chị là người đàn bà chẳng ra gì. Chị im lặng chịu đựng, vì chị rất yêu anh.
Ngày biết tin chị mang thai, bà bắt chồng chị về ép chị phá thai. Chị không đồng ý nhưng dưới sức ép của mẹ anh chỉ đạo, anh nói ngọt và lừa chị uống thuốc ra thai. Kết quả đứa con mới mang hình hài hơn 2 tháng tuổi đã bỏ chị ra đi.
Ngày chị mất con, mắt chị sưng húp, lòng chị tan nát, nhưng anh và mẹ chồng hờ vẫn thản nhiên như không. Anh lại xin lỗi, bảo rằng lúc khác mang bầu vì lúc này mẹ anh chưa đồng ý. Rồi anh nói sẽ mau chóng ly hôn với vợ để sớm cho chị 1 danh phận… Thật lòng chị ngu ngốc khi thấy anh nói cũng có lý. Anh dù sao chưa bỏ vợ nên chị làm vợ anh là sai, là phạm pháp.
Ngẫm lại, chị cay đắng thấy mình quá dại dột...
Gần 2 năm sau chị lại lỡ mang thai lần thứ 2. Lần này, anh im im chẳng ý kiến gì. Còn mẹ chồng hờ thì chẳng biết nghĩ gì mà lặn lội xuống Hà Nội thăm chị. Bà chăm sóc, giặt rũ cho chị, có hôm trời nắng nóng bà còn mua nước mía bắt chị uống.
Đi làm về, thấy mẹ chồng đối đãi vậy, chị cảm động đến rơi nước mắt vì sự thay đổi thái độ của bà. Rồi bà tỉ tê chồng chị mấy tháng nay âm thầm mở phòng khám mới ở Lào Cai nên đang gặp nhiều khó khăn về tài chính. Nhưng anh chắc không dám nói cho chị hay vì không muốn chị phải lo toan khi bầu bí.
Thế là bao nhiêu tiền dành dụm được từ ngày còn con gái đi làm đến giờ tích cóp được hơn 300 triệu, chị đưa cả cho bà. Chị bảo bà đưa lại cho chồng chị để trang trải phần nào chi phí mở phòng khám mới.
Từ hôm đó, tình cảm “mẹ chồng, nàng dâu” trong suốt hơn 1 tháng bà ở Hà Nội với chị khi ấy có khá hơn. Có lúc, chị thương bà với tình thương của một đứa con gái dành cho mẹ. Còn bà bên ngoài cũng có vẻ thương chị lắm.
Khi phòng khám của chồng chị ở Lào Cai gần hoạt động, mẹ chồng chị cũng lên đó trông máy móc giúp con trai. Ngày chị sinh, bà và chồng chị chẳng ai về đưa chị vào viện vì đều bảo bận. Chị gọi mẹ đẻ đưa chị vào viện sinh trong sự tủi thân cùng cực.
Cũng may chị đẻ thường nên được về nhà sớm. Về nhà ở cữ, chị im lặng khi nghe mẹ chồng hờ động viên: “Con ạ, mẹ thương con lắm, bận quá mẹ không thể về thăm 2 mẹ con con. Nhưng thật tâm mẹ rất muốn về”.
Đến ngày làm khai sinh cho con, chồng chị cũng về thăm hai mẹ con chị. Hôm ấy, chị và anh đã cãi nhau to vì anh bảo muốn con chị tạm thời mang họ của chị. Rồi sau này, anh ly hôn xong thì làm lại khai sinh đàng hoàng cho con.
Chị chửi anh thì mẹ chồng hờ lại gọi điện về ngọt nhạt: “Con ạ! Gấu mang họ ai cũng được, họ mẹ hay họ bố có gì khác nhau. Gấu khỏe mạnh, được chăm lo tốt nhất là được”.
Chị thấy bà nói vô lý, lấy chồng chỉ mong con có họ bố, nói như bà khác nào bà không nhận cháu, chồng không nhận con? Chị ức lắm nhưng cũng chẳng biết phải làm thế nào.
Sinh con xong, chị phải nghỉ thai sản không đi làm được. Có bao nhiêu tiền tích cóp trước đó, chị đã đưa cả cho mẹ chồng đưa cho chồng mở phòng khám. Chị bảo anh gửi tiền về nuôi con và chi phí hàng tháng, anh cũng gửi nên chị thấy cũng được an ủi phần nào.
Khi bé Gấu được gần 3 tháng tuổi, bà mang một loạt hóa đơn đã chuyển khoản cho chị đập xuống bàn nói: “Thiếu tiền nuôi con thì về mẹ đẻ mà xin. Sao chồng mới mở phòng khám gặp bao khó khăn mà còn bắt chồng chuyển khoản. Đúng là con vợ không biết điều”. Chị hiền lành nên thấy cứng họng.
Lần cuối cùng, bà về thăm chị và Gấu là lúc hai mẹ con chị đang ốm. Thấy chị nằm bẹp cả tuần liền nên hàng xóm gọi cho chồng chị về. Chồng chị chẳng về nên bảo bà về chăm. Nhưng vừa bước vào nhà, bà ném hộp bánh toẹt ở giường, đứng chạng chân, chống nạnh một tay chỉ vào mặt chị và bé, cất giọng ồm ồm chửi:
“Con Gấu cô đẻ được thì nuôi được, gia đình tôi không có trách nhiệm”. Nói xong bà cắp đít đi. Gấu nghe bà quát nên khóc ầm lên còn chị nước mắt lưng tròng.
Cuộc sống buồn của mẹ con chị cứ thế trôi qua. Hai tháng không thấy hắn về, chị quyết định bế con đi tìm hắn ở phòng khám mới trên Lào Cai.
Đến đây, chị chỉ gặp được bà. Bà ghẻ lạnh chửi chị: “Mày ngứa hay sao mà đi tìm nó. Nó về với vợ nó rồi, mày ngu thì mày chết”.
Chị đứng chết lặng, lòng chị tan nát nhưng mắt chị ráo hoảnh. Chị bế con về lại Hà Nội tiếp tục tồn tại để nuôi con lớn. 3 năm làm vợ tạm, dâu hờ của chị, chị đã chẳng có chút danh phận nào, lại còn bị chồng và mẹ chồng hờ lừa tiền. Ngẫm lại, chị cay đắng thấy mình quá dại dột...
Theo - Nguoiduatin
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]