Dây rốn quấn cổ thai nhi là một trong những biến chứng có thể gặp tại bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ và cần được theo dõi chặt chẽ để ngăn chặn những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra. Mẹ đã biết những thông tin cần thiết để chuẩn bị cho tình huống này chưa?
1. Cứ 3 đứa trẻ được sinh ra thì có 1 bé bị dây rốn quấn cổ khi còn nằm trong bụng mẹ
Thực tế, trong thời gian mang thai, tình trạng dây rốn xoắn lại rồi tự động tháo ra khá phổ biến. Thậm chí, theo nghiên cứu, tỷ lệ dây rốn quấn cổ thai nhi chiếm hơn 30% các trường hợp mang thai, do trong thời gian ở trong bụng mẹ, bé cưng dành khá nhiều thời gian “nhào lộn”.
2. Dây rốn quấn cổ có thể nguy hiểm hơn bạn nghĩ
Với những trường hợp dây rốn quấn 1, 2 vòng và quấn không quá chặt, thai nhi vẫn có thể nhận đủ dưỡng chất từ mẹ và phát triển bình thường. Ngược lại, những trường hợp dây rốn quấn cổ quá nhiều vòng hoặc dây rốn quá ngắn khiến bé không nhận đủ dưỡng chất cần thiết rất nguy hiểm. Bé cưng không nhận đủ chất dinh dưỡng có thể bị nhẹ cân, thiếu máu sau sinh. Nguy hiểm hơn, bé có thể bị suy thai và tử vong trong bụng mẹ.
3. Nhận biết dây rốn quấn cổ thai nhi
Đa số các trường hợp dây rốn quấn cổ thường được phát hiện nhờ siêu âm.
Đa số các trường hợp dây rốn quấn cổ thường được phát hiện nhờ siêu âm. Không chỉ biết được thai nhi có bị dây rốn quấn hay không, siêu âm còn cho phép bác sĩ biết được dây rốn quấn bao nhiêu vòng, và tình hình sẽ nguy hiểm đến mức nào. Tuy nhiên, bầu cũng không vì thế mà lơ là nhé!
Mẹ nên thường xuyên theo dõi những cú “tung chưởng” mỗi ngày của con. Nếu bé đạp ít hoặc dữ dội hơn bình thường, bầu nên đến bệnh viện ngay lập tức.
4. Sinh mổ không phải là giải pháp duy nhất
Việc sinh thường hay sinh mổ còn phụ thuộc khá nhiều vào mức độ quấn lỏng hay chặt của dây rốn. Với những trường hợp dây rốn quấn lỏng, ít vòng, bầu hoàn toàn có thể sinh thường mà không sợ ảnh hưởng đến thai nhi.
Tuy nhiên, những trường hợp sinh thường đòi hỏi bác sĩ phải hết sức cẩn thận, theo dõi kỹ nhịp tim và hoạt động thai nhi trong bụng mẹ. Nếu có hiện tượng chèn ép nhau thai hoặc lượng máu lưu chuyển đến thai giảm khi cổ tử cung chưa mở hoàn toàn, bầu sẽ được chỉ định mổ lấy thai ngay.
5. Không có cách phòng ngừa hiện tượng này
Hiện nay, các chuyên gia vẫn chưa tìm thấy biện pháp nào để ngăn chặn hiện tượng thai nhi bị dây rốn quấn. Do trong thai kỳ, bé cưng chuyển động liên tục, khó tránh khỏi việc tháo rồi xoắn dây rốn liên tục.
Với những mẹ bầu có thai nhi bị dây rốn quấn, việc cân bằng lượng nước ối rất quan trọng, Nước ối ít sẽ làm hạn chế sự hoạt động của thai, khiến bé khó có thể tự “gỡ rối” dây rốn được.
6. Những trường hợp nguy cơ cao
Dây rốn quấn cổ thai nhi là hiện tượng phổ biến, chiếm hơn 1/3 số lượng trẻ em được sinh ra. Tuy nhiên, với những mẹ bầu có chỉ số nước ối bất thường hoặc dây rốn quá dài sẽ có nguy cơ dây rốn quấn thai cao hơn bình thường.
7. Bầu cần lưu ý điều gì?
Khi phát hiện thai nhi bị dây rốn quấn, mẹ bầu nên chăm chỉ thực hiện các buổi khám thai đều đặn. Đây là cơ hội để bác sĩ cập nhật thêm những thông tin về tình trạng sức khỏe thai nhi để có biện pháp điều trị kịp thời. Ngoài ra, mẹ bầu cũng nên chú ý những thay đổi bất thường của bé cưng. Những chuyển động bất thường, nhanh hoặc chậm hơn, có thể là “lời nhắn” con gửi đến mẹ để cảnh báo về sự khó chịu của mình.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]