Trên thực tế, nhiều người thường xuyên bị viêm amidan và luôn có ý nghĩ “cắt phéng đi” cho đỡ rắc rối.
Tuy nhiên, PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng cảnh báo, không nên cắt amidan khi trẻ dưới 5 tuổi (ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch của trẻ, mặt khác, vì amidan chưa phát triển hết, nếu cắt nó sẽ phát triển lại) và thật thận trọng khi cắt amidan cho người trên 50 tuổi.
PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng lý giải, những người trên 50 tuổi có nhiều bệnh kèm theo mà các bệnh đó được chống chỉ định trong cắt amidan như: tăng huyết áp, tim mạch (xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành). Hơn nữa ở lứa tuổi này amidan thường bị xơ hoá nếu cắt có thể gây chảy máu nhiều và kéo dài, rất nguy hiểm cho tính mạng...
Cũng theo PGS Dũng, khi quyết định cắt amidan, cần có tư vấn của bác sĩ để lựa chọn phương pháp và biện pháp phù hợp, tránh amidan tái phát.
Phẫu thuật cắt amidan chống chỉ định tuyệt đối trong trường hợp bệnh lý toàn thân không kiểm soát tốt như: Bệnh ưa chảy máu, rối loạn đông máu, cao huyết áp, suy tim...
Theo các chuyên gia, trẻ em dưới 5 tuổi không nên cắt amidan.
Cắt amidan không áp dụng trong các trường hợp khi đang có viêm nhiễm cấp tính tại amidan, vùng xung quanh amidan như mũi, xoang và toàn thân như cúm, sởi, sốt xuất huyết… Khi đang có bệnh mạn tính chưa ổn định như tiểu đường, viêm gan, lao, phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt, mang thai hoặc đang nuôi con bú.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Phẩm, nguyên Trưởng Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa Thái Bình khuyến cáo cắt amidan là thủ thuật tuy không phức tạp nhưng phải thực hiện đúng chỉ định.
Nếu amidan bị phì đại to ra gây tắc nghẽn đường thở và có thể gây nên hiện tượng ngừng thở khi trẻ ngủ, gây tím tái (do thiếu dưỡng khí), hay quấy khóc.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Phẩm cho biết, nếu bị viêm amidan sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Chẳng hạn: Viêm mạn tính tái đi tái lại nhiều lần, trong 1 năm có tới 6 -7 lần viêm cấp tính ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ hoặc amidan to, có nhiều hốc mủ có nguy cơ gây thấp khớp, biến chứng tim, viêm cầu thận cấp hoặc đã gây thấp tim tiến triển.
Ngoài ra, viêm amidan còn gây ra như viêm phế quản nhiều lần, hen phế quản, viêm tai giữa, viêm xoang hoặc có những trường hợp amidan chỉ quá phát không viêm nhưng gây cản trở đường thở cũng như cản trở ăn uống thì cũng cần được bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm xem xét.
Nguyên nhân gây viêm amidan: - Vi khuẩn tụ cầu, liên cầu, xoắn khuẩn, các chủng ái khí và yếm khí. - Virus cúm, sởi, ho gà... - Thời tiết thay đổi đột ngột (bị lạnh đột ngột khi mưa, độ ẩm cao...) các vi khuẩn và virus có sẵn ở mũi họng trở nên gây bệnh. - Ô nhiễm môi trường do bụi, khí, điều kiện sinh hoạt thấp, vệ sinh kém. - Sức đề kháng kém, cơ địa dị ứng. - Có các ổ viêm nhiễm ở họng, miệng như sâu răng, viêm lợi, viêm nha chu, viêm quanh thân răng khôn, viêm xoang… - Do đặc điểm cấu trúc giải phẫu của amidan có nhiều khe kẽ, hốc, ngách là nơi cư trú, ẩn náu và phát triển của vi khuẩn. Hơn nữa amidan nằm trên ngã tư đường ăn và đường thở, là cửa ngõ cho vi khuẩn, virus xâm nhập vào. Biểu hiện của viêm amidan * Viêm amidan cấp: - Sốt 39-40 độ, đau họng. - Khó nuốt, chảy nước bọt. - Đè lưỡi: amiđan đỏ, to, đau. - Dịch nhờn và mủ từ hốc amidan. - Lưỡi gà phù nề. * Viêm amidan mạn: - Do điều trị không đúng cách, tái đi tái lại nên viêm amidan cấp thành viêm amidan mạn. - Không sốt, không đau họng. - Nuốt vướng. - Ho húc hắc, có thể có những cơn bộc phát cấp. |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]