Trong số các bệnh đường hô hấp, viêm họng là bệnh thường gặp nhất ở trẻ nhỏ, mặc dù không nguy hiểm, nhưng nếu không chữa trị kịp thời sẽ gây ra hậu quả đáng tiếc.
Như trường hợp của bé Nguyễn Tuấn Anh (9 tháng tuổi, ngụ Q.12, TPHCM) nhập viện trong tình trạng nôn ói nhiều kèm khóc thét từng cơn. Theo bố của bé, trước đó bé chỉ bị ho, sổ mũi, đi khám bác sĩ (BS) gần nhà nói bị viêm họng do nhiễm siêu vi.
Đến khi nhập viện, qua thăm khám và siêu âm BS lại chẩn đoán bị lồng ruột cấp tính, phải chuyển lên phòng mổ để tháo lồng bằng hơi gấp khiến vị phụ huynh này bất ngờ. Khi ca phẫu thuật kết thúc, anh được BS giải thích đây là một trong những biến chứng của nhiễm siêu vi. Lúc này, gia đình mới “bật ngửa” vì chủ quan với bệnh nên dẫn đến việc điều trị, chăm sóc trẻ không đúng cách mới gây ra biến chứng như trên.
Liên hệ với BS.CKI Trịnh Ngọc Bình - BV Chợ Rẫy, bà cho biết: Nguyên nhân gây bệnh thì rất nhiều, có trẻ thì ăn nhiều đồ lạnh, ngày nào cũng nhai đá “rôm rốp” làm nhiệt độ giảm đột ngột, lâu ngày dẫn đến tổn thương vùng họng. Hay lại có trẻ bị viêm họng vì cha mẹ dùng máy lạnh không hợp lý, để nhiệt độ quá lạnh hoặc đặt trẻ nằm ở vị trí nơi luồng gió phả trực tiếp vào người, vào đầu cổ.
BS Bình cho biết: “Ngoài các yếu tố về thời tiết, khí hậu như trên thì bệnh viêm họng ở trẻ phần lớn là do virus và một số vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu. Nguy hiểm hơn cả là do liên cầu trùng bê-ta tan máu nhóm A gây nên, từ viêm họng có thể dẫn đến biến chứng thấp tim, thấp khớp, viêm thận”.
Dưới đây là thông tin BS Trịnh Ngọc Bình cung cấp liên quan đến bệnh viêm họng ở trẻ mà các mẹ nên lưu tâm:
Triệu chứng của bệnh viêm họng
Bệnh viêm họng ở trẻ thường khởi phát đột ngột với biểu hiện hắt hơi, môi khô, lưỡi trắng, đau nhức toàn thân, lừ đừ.
Từ 1-2 ngày tiếp theo, trẻ sẽ bị nghẹt mũi, chảy nước mũi trong và loãng, cổ họng sưng đau kèm sốt cao 39-40 độ C gây hiện tượng ớn lạnh, nhức đầu, đau mỏi thân mình dẫn đến tình trạng bỏ ăn, ho khan khàn tiếng.
Bên cạnh đó, khám họng thấy có mủ trắng bẩn ở khe, amiđan sưng to và đỏ. Sờ thấy hạch dưới hàm cả hai bên, di động, ấn đau.
Trường hợp nguy hiểm cần đưa đi bệnh viện
Nếu người lớn nhận thấy trẻ có những dấu hiệu như sốt cao từ 40-42 độ C, co giật hoặc xuất hiện các nốt phát ban trên người, thì nhanh chóng đưa trẻ vào BV để kiểm tra và có hướng xử trí thích hợp.
Tuy đây không phải là một căn bệnh nguy hiểm, nhưng nếu không chữa trị kịp thời sẽ gây ra áp-xe hoặc viêm tấy quanh họng, viêm tấy quanh amidan, ở trẻ nhỏ có thể gây áp-xe thành họng…
Nếu viêm họng cấp bị bội nhiễm có thể dẫn đến các biến chứng như viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa. Ngoài ra, viêm họng còn lan xuống thanh quản gây viêm thanh quản hoặc viêm cả khí quản, phế quản hoặc viêm phổi.
Nguy hiểm hơn nữa là liên cầu khuẩn gây viêm họng kích thích cơ thể sản xuất ra các kháng thể gây ảnh hưởng đến tim, khớp, thần kinh và gây nên bệnh thấp tim.
Cách điều trị khi trẻ bị viêm họng
Khi bé có những dấu hiệu viêm họng cấp nên lau mát cho bé để hạ sốt, rồi đưa bé đến BS. Khi sốt cao, bé cũng cần được dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định.
Thông thường liệu trình điều trị sẽ tập trung ở ba phương diện kháng sinh, kháng viêm kết hợp với làm giảm các triệu chứng viêm cấp tính. Sau khi được điều trị kháng sinh, các dấu hiệu nhiễm trùng sẽ thuyên giảm trong vòng 24 giờ và bệnh sẽ thuyên giảm trong khoảng một tuần.
Cha mẹ nên tuân thủ nghiêm ngặt việc dùng thuốc cho con vì nếu tự ngưng thuốc giữa chừng, vi khuẩn có khả năng tấn công trở lại và khiến họng của bé bị đau trầm trọng hơn.
Những điều cần lưu ý khi chăm sóc trẻ bị viêm họng
Nên cho bé súc miệng hằng ngày với nước muối pha loãng 0.9%, cho bé uống thêm dung dịch oresol cam để bù nước và chất điện giải. Cụ thể:
- Trẻ sơ sinh dùng 50ml/lần, một ngày 2-3 lần.
- Trẻ từ 2-6 tuổi dùng 100ml/lần, mỗi ngày 2-3 lần.
- Trẻ trẻ từ 6-12 tuổi dùng 150ml/lần, mỗi ngày 2-3 lần.
Ngoài ra, cha mẹ nên giữ nhiệt độ trong phòng khoảng 25 độ C và thân nhiệt bé ổn định, không quá nóng hoặc quá lạnh, nên lau người bằng khăn ấm để hạ nhiệt cho bé.
Khi chế biến thực phẩm cho bé cần chú ý phải mềm, lỏng và dễ nuốt, không nên sử dụng những thức ăn, đồ uống lạnh, cay, nhiều dầu mỡ. Trong trường hợp bé còn “ti” mẹ thì nên cho bú thật nhiều.
“Chìa khóa” phòng ngừa viêm họng
- Tập cho trẻ thói quen uống nhiều nước, hoạt động thể chất, đánh răng, súc miệng bằng nước muối sau mỗi bữa ăn, rửa tay trước khi ăn và rửa tay sau khi đi vệ sinh.
- Hạn chế cho trẻ đến chỗ đông người, đeo khẩu trang và che chắn cẩn thận khi cho bé ra ngoài vào những ngày nắng nóng.
- Không cho bé ăn hay uống đồ lạnh và cần bổ sung đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng; thức ăn phải tươi, an toàn, hợp vệ sinh.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]