Tưởng cảm cúm nên tự mua thuốc điều trị
Chị Võ Thị Thảo (27 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước) có con gái bị bệnh tay chân miệng đang điều trị bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM cho biết: “Con gái tôi mới 34 tháng tuổi. Trước đây, bé chưa bị bệnh tay chân miệng lần nào. Tôi tưởng con cảm cúm nên tự đi mua thuốc hạ sốt cho bé uống nhưng không bớt.
Vài ngày sau, đưa con đi khám bệnh tại bệnh viện Đa khoa thị xã Phước Long, bác sĩ cho chuyển viện lên bệnh viện Nhi Đồng 2. Hai ngày nay, con tôi vẫn nằm điều trị tại phòng cấp cứu của khoa. Bác sĩ cho biết, con tôi là ca nặng”.
Cũng theo chị Thảo, khu vực gia đình chị sinh sống chưa có ca bệnh tay chân miệng nào. Nhà cửa chị luôn dọn dẹp sạch sẽ.
Chị cho biết, trước khi con chị bệnh, bé đến nhà bà nội, có ra quán tạp hóa chơi với mấy đứa trẻ khác. Khi về nhà, bé có biểu hiện sốt, nôn và nổi ban ở miệng. Bé ăn uống không được nên chị phải đưa đi bệnh viện. Tại đây, chị được các bác sĩ cho biết bé bị bệnh tay chân miệng.
“Gia đình tôi rất lo lắng và sợ con nặng lên. May mắn, tại bệnh viện Nhi Đồng 2, bác sĩ tận tình theo dõi chăm sóc, giờ đã bớt sốt”, chị Thảo cho biết thêm.
Một trẻ bị bệnh tay chân miệng đang khám bệnh tại bệnh viện Nhi Đồng 2 (Ảnh: Lành Nguyễn). |
Trong khi đó, chị Nguyễn Khang Điểm, ngụ quận Thủ Đức (TP.HCM) cũng đưa con gái 7 tuổi nhập viện vì sốt xuất huyết.
Chị Điểm cho biết: “Chúng tôi cứ tưởng con bị cảm cúm nên tự mua thuốc tây cho con uống. Nhưng nhiều ngày sau khi uống thuốc, con tôi không khỏi. Khi đưa đến bệnh viện, bác sĩ cho nhập viện gấp vì sốt xuất huyết ở mức độ nặng. Đến nay sau một tuần nhập viện, con tôi đã hồi phục và chuẩn bị được xuất viện".
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, khoa Nhiễm-Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), bệnh tay chân miệng đã vào mùa. Tại bệnh viện Nhi Đồng 1, mỗi ngày, khoa Nhiễm –Thần Kinh tiếp nhận 50-60 ca bệnh tay chân miệng đến khám và điều trị. Trong đó, có 20-30 bệnh nhân phải nhập viện điều trị. Trong những trẻ mắc tay chân miệng tại bệnh viện Nhi Đồng 1, có 3 ca nặng, một ca thở máy.
“Hiện, số lượng ca nhập viện tại bệnh viện Nhi Đồng 1 do bệnh tay chân miệng đã tăng gấp đôi. Dự báo, bệnh sẽ tiếp tục tăng cho đến tháng 11/2017. Phụ huynh cần phải đề phòng bệnh bằng cách rửa tay sạch sẽ, trước khi về nhà và trước khi chăm sóc trẻ…”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.
Có nguy cơ biến chứng nguy hiểm
Ths.BS. Trần Thị Kim Vân, Phó khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) cho biết, hiện tại, bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết đang có dấu hiệu gia tăng. Đây cũng là thời điểm thuận lợi cho dịch bệnh phát triển.
Theo đó, mỗi năm có 2 giai đoạn bệnh phát triển nhiều nhất. Đó là giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5. Giai đoạn thứ 2 là từ tháng 9 đến tháng 12. Đây là thời điểm các trẻ đến trường học, việc lây lan bệnh dễ dàng hơn. Từ đó, số ca bệnh tăng nhiều hơn.
“Năm nay, bệnh viện ghi nhận số ca bệnh tay chân miệng tăng nhẹ. Hiện, bệnh viện đang có 30 bé điều trị và một số ca bệnh có nguy cơ diễn biến nặng cần theo dõi sát đang nằm ở phòng cấp cứu của khoa Nhiễm.
Mỗi ngày bệnh viện ghi nhận từ một đến vài ca bệnh tay chân miệng nặng. Những ca này chưa đến nỗi phải thở máy, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và có lẽ sẽ mau ổn định vì nhập viện kịp thời”, bác sĩ Vân chia sẻ.
Bác sĩ Vân cho biết thêm, bệnh tay chân miệng đôi khi có những dấu hiệu khó nhận biết và đều có nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Biến chứng nhẹ có thể mau qua khỏi, nhưng biến chứng nặng sẽ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe bệnh nhân.
Một số bệnh nhân tay chân miệng có biểu hiện rõ ra bên ngoài, nhưng có một số lại không có biểu hiện rõ ràng sẽ nguy hiểm nếu phụ huynh chủ quan không đưa con đi khám và theo dõi sát bệnh.
Một số trường hợp phụ huynh biết rõ con mình mắc bệnh tay chân miệng vì chân nổi ban, nước dãi chảy, sốt, một số phát hiện đi khám bác sĩ vì lý do khác. Bác sĩ kiểm tra thì phát hiện bệnh và cho theo dõi, điều trị.
Bệnh nhân mắc tay chân miệng cần phải tuân thủ lịch khám của bác sĩ, theo dõi sát các dấu hiệu nặng cần tái khám ngay, cũng như uống thuốc theo toa chỉ định.
Bác sĩ Vân cho biết, những ca bệnh tay chân miệng cần phát hiện sớm và theo dõi sát những dấu hiệu nặng như sốt cao, liên tục giật mình, chới với, đi đứng loạng choạng, run tay chân, nặng hơn nữa sẽ ảnh hưởng đến tuần hoàn, tim mạch.
Bệnh nhân có nguy cơ tử vong hoặc di chứng thần kinh nặng nề, phụ thuộc máy thở kéo dài. Biến chứng nhẹ của bệnh tay chân miệng thường là mất nước do nôn ói tiêu chảy, lở miệng, vệ sinh không tốt dẫn tới bội nhiễm vi trùng.
Bác sĩ Vân cho biết thêm: "Hiện nay, bệnh tay chân miệng do vi rút tấn công và chưa có vắc xin phòng bệnh, cũng chưa có thuốc đặc trị, mà chủ yếu điều trị hỗ trợ. Phụ huynh cần nâng cao ý thức vệ sinh tay chân cho trẻ, vệ sinh đồ chơi của trẻ để phòng bệnh. Khi trẻ bị bệnh cần phải cách ly với các trẻ khác để phòng bệnh, vì bệnh dễ lây qua đường hô hấp, nước bọt".
Trong khi đó, Ths. BS. Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh và truyền nhiễm, trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, theo số liệu thống kê từ Trung tâm, số ca bệnh do tay chân miệng tại TP.HCM tăng so với trước đó. Hai tuần gần nhất, số ca tay chân miệng lên tới 160 ca, tăng 20 ca so với các tuần trước đó.
Thời gian tới, học sinh bắt đầu đến trường, nên cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát bệnh để bảo đảm sức khỏe cho các em. Phụ huynh cần chú ý vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, diệt muỗi, lăng quăng để phòng bệnh.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]