TS Tô Thanh Phương –Trưởng khoa Cấp tính nữ, đồng thời là Phó GĐ Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho biết, những trường hợp người phụ nữ bị trầm cảm sau sinh, sau đó có hành động tự sát, giết con không phải là hiếm. Theo thống kê, trên thế giới có 0,15% phụ nữ sau sinh mắc loạn thần - trầm cảm sau sinh.
Thời điểm người phụ nữ thường rơi vào trạng thái trầm cảm là khoảng 1 tuần sau sinh, với các biểu hiện như buồn rầu, lo âu, mệt mỏi, mất ngủ, dễ tủi thân, thích ở một mình... Nếu khi xuất hiện trạng thái này, người phụ nữ được sự quan tâm của người chồng, của những người thân thì sẽ sớm qua đi.
TS Tô Thanh Phương nhận định, căn bệnh trầm cảm sau sinh rất nguy hiểm.
Tuy nhiên, khi các triệu chứng ngày càng nặng (được gọi là hội chứng ngày thứ 3 sau đẻ) thì người phụ nữ cảm thấy rất căng thẳng, bi quan, buồn chán, không ngủ được, lo âu nhiều, thậm chí xuất hiện ảo thanh trong đầu…
Nếu không điều chỉnh được những biểu hiện này trong một tuần, bệnh trầm cảm của người phụ nữ sẽ tiến triển nặng gọi là loạn thần sau sinh. Đỉnh cao phát bệnh này là sau khi sinh 10-15 ngày, có thể kéo dài trong vòng 3 tháng.
“Nếu phát bệnh lần đầu, đa số phụ nữ sau sinh ở trong tình trạng loạn thần, có ảo giác, hoang tưởng. Đó chính là nguyên nhân nhiều mẹ đã giết chết con mình hoặc tự sát khi mắc căn bệnh này”, TS Phương cảnh báo.
Lý giải về việc xuất hiện triệu chứng trầm cảm sau sinh ở người phụ nữ, TS Phương cho biết, trong quá trình mang thai, nồng độ estrogen và các chất dưỡng thai cao. Khi sinh con xong, nồng độ các chất này bị giảm đột ngột sinh ra các rối loạn tâm thần sau đẻ. “Thời gian khoảng tuần đầu sau đẻ, hầu hết chị em đều có tâm trạng như vậy”, TS Phương phân tích.
Khi phát hiện người phụ nữ có biểu hiện trầm cảm sau sinh, TS Phương cho rằng, cách tốt nhất là gia đình nên cách ly người mẹ khỏi đứa trẻ. Sau đó, người mẹ trầm cảm cần phải đưa đến bệnh viện tâm thần hoặc chuyên khoa tâm thần để khám và điều trị.
“Đa số bệnh nhân phát bệnh lần đầu là trầm cảm, phát bệnh lần sau là hưng cảm (quá khích). Phác đồ điều trị chung là 6 tháng liên tục tấn công, sau đó điều trị duy trì 1,5 năm, bệnh nhân sẽ tiến triển tốt”, TS Phương nói về hướng chữa bệnh cho bệnh nhân mắc trầm cảm sau sinh.
Nhiều phụ nữ sau sinh bị trầm cảm. (Ảnh minh họa)
Cũng liên quan đến vấn đề này, Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng vấn đề người phụ nữ bị trầm cảm sau sinh đang ngày càng gia tăng, nguyên nhân là do phải chịu áp lực từ nhiều phía.
“Người phụ nữ sau sinh rất muốn được người chồng quan tâm chăm sóc, nhưng nhiều gia đình sau khi người phụ nữ sinh con lại chỉ quan tâm đến đứa trẻ mới chào đời, nên họ cảm thấy hụt hẫng và bắt đầu gặp phải những rắc rối về tâm lý.
Hoặc nhiều trường hợp, do gánh nặng cơm áo gạo tiền, gia đình có thêm thành viên mới nên người chồng cố gắng kiếm tiền mà “quên” nhiệm vụ an ủi, động viện vợ. Điều này cũng khiến người phụ nữ dễ bị sang chấn tâm lý và dẫn đến trầm cảm”, ông Chất phân tích.
Theo lời khuyên của ông Chất, ngay từ khi mang thai và sau sinh, người chồng cần có sự quan tâm đối với người vợ về cả mặt kinh tế lẫn tâm lý, động viên, hỗ trợ tích cực để họ đỡ căng thẳng, bớt sang chấn về các quan hệ trong gia đình.
Những trường hợp dưới đây dễ mắc trầm cảm sau sinh: - Những người đã từng bị bệnh trầm cảm. Đối tượng này cần được quan tâm đặc biệt trong suốt quá trình mang thai. - Người có các mối quan hệ trong gia đình căng thẳng. Đây là nguy cơ cao dẫn tới các sang chấn tâm lý, căng thẳng, áp lực đối với phụ nữ sau đẻ. - Những người mẹ đơn thân, hoặc có chồng đi vắng, không có chỗ dựa cũng cần quan tâm. TS Tô Thanh Phương |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]