Học viện Ngoại giao công bố phương án tuyển sinh
Học viện Ngoại giao Việt Nam vừa công bố thông tin tuyển sinh hệ đại học chính quy 2016 với tổng chỉ tiêu 450. Theo đó trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia của các thí sinh dự thi tại các cụm thi do các trường đại học chủ trì để xét tuyển.
Các môn nhân hệ số 1, riêng ngành Ngôn ngữ Anh nhân hệ số 2 môn tiếng Anh.
Những thí sinh đăng ký xét tuyển theo Khối A1 và D1 vào ngành Quan hệ quốc tế sẽ học ngoại ngữ là Tiếng Anh hoặc Tiếng Trung Quốc.
Xét tuyển thẳng với bài luận, thư giới thiệu
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đào tạo của ĐH Quốc Gia TP HCM cho biết, kỳ tuyển sinh 2016, trường sẽ xét tuyển thẳng học sinh của 82 trường THPT chuyên và năng khiếu dựa vào nhiều tiêu chí: Trường của thí sinh học nằm trong danh sách trường được chọn; thí sinh là học sinh giỏi, có hạnh kiểm tốt, đậu tốt nghiệp THPT năm 2016.
Để được xét tuyển thẳng, thí sinh phải nộp bài luận lý giải việc chọn ngành kèm thư giới thiệu của giáo viên. "Đây là cách làm mới, hướng theo chuẩn chung của các đại học trên thế giới", ông Chính cho biết.
Trường dành 10% chỉ tiêu mỗi ngành cho đối tượng ưu tiên xét tuyển. Trường hợp số học sinh đăng ký ưu tiên xét tuyển nhiều hơn chỉ tiêu cho phép, đại học này sẽ xét thí sinh từ cao xuống thấp dựa trên điểm trung bình 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ trong quá trình học THPT và sự đam mê với ngành học được thí sinh thể hiện trong bài luận.
Nhiều trường bổ sung ngành mới
Năm 2016 nhiều trường mở thêm ngành học mới, việc mở ngành mới ngoài mục đích đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động còn có mục tiêu thu hút thêm sinh viên.
Tuy nhiên, ngành mới phải phù hợp nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, cả nước cũng như của từng lĩnh vực. Ngành mới (và ngành đang đào tạo) phải đảm bảo các điều kiện chất lượng tối thiểu đã được quy định.
Các thí sinh khi chọn ngành nên tìm hiểu kỹ để biết được: ngành mà trường thông báo có được đào tạo hợp pháp không (đã được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo hoặc được các trường tự chủ ra quyết định mở ngành); Ngành đào tạo có phù hợp với khả năng, nguyện vọng, sở trường. Đây là điều kiện quan trọng nhất, nếu chọn ngành không phù hợp thì không chắc thành công, và khi đi làm cũng khó tìm được niềm vui trong công việc.
Cân nhắc mở rộng cụm thi
Theo phương án thi THPT quốc gia 2016 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ tổ chức 2 loại cụm thi gồm cụm thi cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ, do trường ĐH chủ trì, cụm thi thứ hai dành cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, do sở GD&ĐT chủ trì. Tùy tình hình cụ thể của địa phương, có thể chỉ tổ chức cụm thi ĐH.
Với phương án này, ước tính số lượng cụm thi sẽ tăng đáng kể so với năm trước (năm 2015 có 99 cụm gồm 38 cụm do các trường ĐH chủ trì và 61 cụm do các sở GD-ĐT chủ trì). Năm 2016, riêng số cụm do các trường ĐH chủ trì có ít nhất là 64. Các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM có thể có nhiều cụm thi hơn các địa phương khác.
Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, sự điều chỉnh quan trọng nói trên giúp thí sinh thuận tiện hơn khi đi lại, không phải di chuyển tới tỉnh lân cận như năm 2015.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]