Một phụ huynh có con học lớp 11 ở Trường THPT Nguyễn Công Trứ (TP HCM) phản ánh với Báo Người Lao Động về việc cách đây hơn một tháng, trường này tổ chức chương trình ngoại khóa 2 ngày ở Phan Thiết (Bình Thuận) để học sinh (HS) đăng ký. Nhưng đến ngày 17/11 vừa qua, khi thấy số HS đăng ký quá ít thì trường đưa ra biện pháp nhằm làm khó HS không tham gia.
Ép học sinh để thu lợi?
Theo đó, bằng cách quy định nếu HS không đi Phan Thiết thì phải đi các bảo tàng ở TP HCM để quay phim, chụp hình rồi về trả lời các câu hỏi của giáo viên. Cụ thể: khối lớp 12 phải đi 9 bảo tàng, khối 11 đi 6 bảo tàng và khối 10 đi 3 bảo tàng. “Hiệu trưởng làm vậy phải chăng là muốn ép HS đi Phan Thiết để hưởng hoa hồng của đơn vị lữ hành, du lịch?” - phụ huynh này đưa ra nghi vấn.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ trong giờ thể dục Ảnh: HUY LÂN
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Trọng Phúc, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ, cho biết hoạt động ngoại khóa nằm trong phân phối chương trình với thời lượng 4 tiết/tháng. Việc kết hợp tổ chức hoạt động ngoại khóa thế nào là tùy tình hình, đặc thù mỗi trường.
Theo ông Phúc, trường đã từng tổ chức hoạt động ngoại khóa ở Đà Lạt (Lâm Đồng) vào năm học 2012-2013, năm học 2013-2014 không tổ chức vì không tìm được đơn vị lữ hành cung cấp dịch vụ tốt. Năm học này, trường có kế hoạch tổ chức cho học sinh đi Phan Thiết vào cuối tháng 12 khi đã thi xong học kỳ I. “Tôi khẳng định là hoạt động ngoại khóa ở trường rất đa dạng. Hoạt động tại trường có thể kể đến như thi tài năng tiếng Anh, các hoạt động về kỹ năng sống hay là những buổi nói chuyện về ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam... HS cũng có thể đi tham quan các bảo tàng trong thành phố, tất nhiên là không quy định phải đến 3-6 hay 9 bảo tàng” - ông Phúc nói.
Lãnh đạo nhà trường cũng cho biết trường mới gửi thư ngỏ tổ chức đi Phan Thiết đến phụ huynh vào ngày 17/11 và chưa thống kê số lượng HS tham gia vì từ nay đến ngày đi còn rất xa nên không hề có chuyện ép HS phải đi 3-6 hay 9 bảo tàng như phụ huynh đã nêu. Về việc có lợi ích gì khi tổ chức cho học sinh đi Phan Thiết, ông Phúc cho biết mỗi xe có 2 giáo viên đi quản lý HS được miễn phí. Ngoài ra, trường không có quyền lợi nào khác.
Ngoại khóa để học kỹ năng
Một số phụ huynh phản ánh Trường THCS-THPT Ngô Thời Nhiệm (TP HCM) tổ chức ngoại khóa ở Đà Lạt với mức phí cao trong khi nhiều HS không có khả năng đóng góp. Theo tìm hiểu, trường tổ chức cho khoảng 850 HS từ lớp 6 đến lớp 12 đi Đà Lạt với giá 1.600.000 đồng bao gồm 4 ngày ăn ở, di chuyển và bao gồm cả kinh phí để phát phần thưởng cho các nhóm đoạt giải khi tổ chức trò chơi trong chương trình ngoại khóa.
Bà Phạm Thị Thúy Vĩnh, hiệu trưởng nhà trường, cho biết ngoại khóa là hoạt động hằng năm của nhà trường. Mỗi năm trường đều tổ chức cho HS tham gia các chương trình ngoại khóa, khi thì Đà Lạt, có năm là Phan Thiết, đi miền Tây… Mục đích là để HS thư giãn sau những giờ học, song song đó học thêm những kỹ năng sống. Hoạt động này tính điểm tích hợp vào từng môn học và nằm trong chương trình giáo dục toàn diện HS của nhà trường. “Trường không ép tất cả HS phải đi Đà Lạt, có hơn 100 em không đi vì lý do sức khỏe và không có khả năng kinh phí. Với những em ở nhà, trường vẫn cắt cử giáo viên ở lại, giao bài tập và tính điểm tích hợp” - bà Vĩnh nói.
Bà Vĩnh cho rằng tuy nhà trường không ép nhưng đây là chương trình ngoại khóa hằng năm, hoạt động rất thiết thực nên vận động tất cả HS tham gia. Qua chương trình, các em sẽ học được những kỹ năng sống cần thiết, từ di chuyển, làm việc tập thể, tinh thần đồng đội… Ngoài ra, HS còn được tìm hiểu sâu hơn về môn học, vận dụng kiến thức các môn học vào thực tế, lý giải nhiều hiện tượng xung quanh. “Chương trình ngoại khóa là rất cần thiết, giúp HS có thêm kinh nghiệm sống và nhất là tinh thần đồng đội thông qua những trải nghiệm thực tế” - bà Vĩnh khẳng định.
Cần thiết nên mới vận động
Bà Phạm Thị Thúy Vĩnh cho biết mỗi lần tổ chức ngoại khóa thì giáo viên và nhà trường rất cực. Mỗi lần ngoại khóa, nhà trường huy động gần 100 giáo viên đi theo để trông nom các em và vẫn phải trả tiền tăng tiết. Giáo viên căng thẳng và rất mệt, từ chuyện thuê xe, quản lý, chăm sóc các em như thế nào, liên hệ địa điểm ra sao, làm sao để bảo đảm an toàn cho tất cả HS là giáo viên đã căng thẳng lắm rồi. “HS đi ít chừng nào thì khỏe chừng ấy nhưng chúng tôi xác định học kỹ năng sống là hoạt động quan trọng, cần thiết cho các em nên mới vận động đi hết và giải thích cho phụ huynh hiểu” - bà Vĩnh phân trần.
Theo 24h.com
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]