Hằng ngày, con phải dậy từ rất sớm để lo ăn sáng rồi đến trường. Con bảo rằng căng thẳng bắt đầu từ khi ra đường, chen lấn.
Ngày còn bé thì được bố mẹ thay nhau đèo đến trường, lớn hơn thì đi xe đạp, xe buýt. Ngay từ lớp 1, con đã thấy rằng bữa sáng chưa bao giờ ngon, kể cả cuối tuần.
Nghĩ lại con nói cũng phải. Buổi tối con thường phải giải quyết đống bài tập tới khuya mới được leo lên giường. Sáng sớm nhiều khi con mệt, mẹ gọi năm bảy lần mới dậy được, không kịp ăn sáng mà vội vã đến lớp để không bị muộn học.
Các học sinh trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn (TP.HCM).
Nhìn con cầm ổ bánh mì hoặc gói xôi lên lớp ăn vội trước giờ học mà mủi lòng. Con kể nhiều hôm phải thậm thụt cúi xuống gầm bàn ăn bánh mì trong giờ học vì sợ bị cô phát hiện. Cuối tuần, con chỉ thèm được “ngủ nướng” nhưng lịch học cũng đâu có khác gì ngày thường!
Nhiều lúc tôi có cảm giác đang “thuê” con đi học theo đúng nghĩa: đóng tiền học phí đều đặn cho con, thi thoảng khuyến khích con món quà gì đó để con chăm học hơn, được nhiều điểm cao hơn.
Học tới hơn chục môn, có những môn là thế mạnh của con như toán, ngoại ngữ nhưng cũng có những môn con yếu như xã hội. Thật lòng nhìn con gồng mình lên học những môn là điểm yếu của mình để không bị “lệch” mà tôi ái ngại.
Tôi không dám yêu cầu con giảm bớt thời lượng học nhưng nhìn con lúc nào cũng tất tả, thi thoảng kêu đau đầu, chóng mặt, tôi chỉ ao ước giá như số lượng môn học, khối lượng bài vở được giảm xuống thì tốt biết mấy.
Tôi không ép con phải là học sinh giỏi nhưng theo như con nói rằng trường con là trường chuẩn quốc gia, nổi tiếng ở Hà Nội cho nên không thể không là học sinh giỏi. Tôi chỉ biết thở dài thườn thượt...
Người lớn chúng ta đi làm còn có giờ nghỉ ngơi, sau bữa ăn tối được xem tivi, đọc báo, còn con cái lúc nào cũng bò dài ra giải quyết bài tập, lặp đi lặp lại với học là học.
Thi thoảng tôi đem cho con ly nước, thật tội cho con khi con kêu mỏi lưng, chóng mặt mà tôi vẫn làm ngơ như không nghe thấy. Đêm nhìn con ngủ thấy thương quá khi trên trán còn hằn lên những suy nghĩ, trăn trở gì đó.
Có hôm con thỏ thẻ rằng chưa giải xong bài tập, cũng chưa học thuộc lòng môn gì đó xem như buổi học ấy cứ lo nơm nớp bị thầy cô gọi lên bảng để trả bài.
Trong suốt những năm con học từ tiểu học đến trung học cơ sở, rồi trung học phổ thông, điều khiến tôi day dứt chính là con không còn ngây thơ, hồn nhiên đúng tuổi. Có thể nói là đôi khi con không còn là trẻ con vì suốt ngày phải lo đối phó với bài vở, với lịch học, với thầy cô.
Con cặm cụi, chăm chỉ như một người “thợ” học, xứng đáng với đống tiền mà bố mẹ đầu tư. Tôi chỉ ao ước giá như con được là con, là chính mình.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]