Lúng túng làm hồ sơ
Thông tin từ Bộ GDĐT cho biết, mặc dù thời gian bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) THPT quốc gia mới được ít ngày (từ ngày 1.4) nhưng các đơn vị đăng ký dự thi trên cả nước đã nhập được dữ liệu hồ sơ của trên 8.000 thí sinh.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: Tùng Anh
Hồ sơ ĐKDT vừa là thông tin dùng để tham gia thi THPT quốc gia xét tốt nghiệp, cũng là thông tin ban đầu về lựa chọn xét tuyển ngành, nghề vào các trường ĐH, CĐ. Theo quy định của Bộ GDĐT, sau khi biết điểm thi THPT quốc gia, thí sinh có quyền chỉnh sửa nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ một lần nữa. Tuy nhiên, với nhiều thay đổi về quy chế thi, mã ngành, mã trường, đặc biệt là phương án tuyển sinh riêng của các trường ĐH, CĐ... đã khiến việc đăng ký hồ sơ "2 trong 1" của nhiều thí sinh gặp khó khăn.
Em Nguyễn Văn Lâm, học sinh lớp 12 tại Yên Thế (Bắc Giang) cho biết, mặc dù đã được thầy cô giáo hướng dẫn rất kỹ, nhưng khi tìm hiểu thông tin về mã ngành, mã trường và khối thi để điền vào mục nguyện vọng (NV) xét tuyển em vẫn bị nhầm lẫn. "Đầu tiên là phải chọn ra khối thi mình dự kiến dùng để xét tuyển, sau đó tìm xem ngành mình thích có dùng khối thi đó không và ngành đó có ở các trường nào, sau đó gạch tên các NV ra giấy nháp. Rồi cuối cùng mới điền vào hồ sơ. Mặc dù làm nhiều bước khá cẩn thận nhưng do nhiều trường thay đổi, bổ sung khối thi cho các ngành, mã tổ hợp môn xét tuyển cũng đổi nên nếu tìm thông tin không đúng, hồ sơ rất dễ bị... xé đi làm lại" - Lâm nói.
Tương tự, vì không đọc kỹ quy chế tuyển sinh, lần đầu làm hồ sơ em Bùi Thu Hà (Gia Lâm, Hà Nội) đã điền nhầm NV thứ 6 và thứ 7 vào trường CĐ và TC nghề nên phải làm hồ sơ đến lần thứ 3. "Sau khi được nhắc nhở, em mới rõ quy định khác là thí sinh có NV đăng ký vào các ngành CĐ ngoài sư phạm sẽ không nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào hệ thống xét tuyển chung của Bộ GDĐT mà thực hiện theo hướng dẫn của Bộ LĐTBXH và quy định cụ thể của từng trường. Cái này sau khi có kết quả thi mới làm được" - Hà cho biết.
Thừa nhận thực tế này, đại diện Bộ GDĐT cũng cho biết, trong mấy ngày đầu đã có nhiều thí sinh khai nguyện vọng ĐKDT chưa chính xác về mã trường, mã ngành, mã tổ hợp xét tuyển. Nguyên nhân là do thí sinh sử dụng các tài liệu, nguồn thông tin hướng dẫn thi và tuyển sinh không chính thống, dựa vào tài liệu của những năm trước.
Theo ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GDĐT), để đảm bảo đăng ký xét tuyển chính xác, tránh sai sót ảnh hưởng đến quyền lợi thí sinh, các em phải nghiên cứu kỹ quy chế thi, quy chế tuyển sinh, các văn bản hướng dẫn liên quan và đặc biệt cần tìm hiểu rõ thông tin tuyển sinh của trường trên website chính thức của trường đó và cổng thông tin của Bộ.
Lưu ý khi sắp xếp nguyện vọng
Mùa thi năm nay, thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số NV. Các chuyên gia cho rằng, việc đăng ký chính xác các NV theo thứ tự ưu tiên sẽ giúp thí sinh có cơ hội trúng tuyển ngành mình yêu thích
Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga lưu ý, nguyên tắc là đối với các ngành/trường thì việc xét tuyển được thực hiện bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên giữa các NV. Còn đối với thí sinh, trong trường hợp em đó đủ điểm trúng tuyển ở nhiều NV, thì NV xếp thứ tự đầu tiên sẽ được ưu tiên trúng tuyển. "Ví dụ thí sinh A đăng ký NV5 có kết quả thi 20 điểm, thí sinh B đăng ký NV1 có kết quả 18 điểm vào ngành X. Nếu điểm chuẩn vào ngành X là 19 điểm thì thí sinh A trúng tuyển (dù đã đăng ký NV5) còn thí sinh B trượt (dù đăng ký NV1).
Nếu thí sinh A ngoài trúng tuyển NV5 vào ngành X còn trúng tuyển các NV3, NV6 vào các ngành/trường khác thì thí sinh này chỉ được gọi trúng tuyển duy nhất vào NV3 (nguyện vọng cao nhất trong 3 NV đã trúng tuyển)" - ông Ga giải thích.
Ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GDĐT) lưu ý thêm, mặc dù không giới hạn NV nhưng các em phải tính toán thật kỹ, không nên đăng ký quá nhiều NV: "Dù đăng ký nhiều nhưng thí sinh cũng chỉ được trúng tuyển vào một NV. Do vậy, NV đầu tiên ghi trên giấy đăng ký dự thi sẽ là quan trọng nhất. Nếu đăng ký suông sẽ rất nguy hiểm vì có khả năng bị trúng tuyển vào ngành không yêu thích" - ông Nghĩa nói.
Theo quy định của Bộ GDĐT, thí sinh có nhu cầu thực hiện điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển (ĐKXT) sau khi có kết quả thi THPT quốc gia. Mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh ĐKXT 1 lần trong thời gian quy định và chỉ được sử dụng một trong hai phương thức: Trực tuyến hoặc bằng phiếu điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT. Đối với điều chỉnh bằng phương thức trực tuyến: thí sinh sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để thực hiện việc điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT. |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]