Mỹ được đánh giá là nền giáo dục đại học hàng đầu thế giới với những ngôi trường danh tiếng như Harvard, Princeton, Yale, Pennsylvania, MIT...
Một trong những yếu tố chính làm nên thành công này là hệ thống kiểm định chất lượng hoàn chỉnh, thường xuyên đổi mới, đánh giá khách quan và minh bạch thông tin.
Độc lập, khách quan, chính xác
Kiểm định chất lượng giáo dục đại học ở Mỹ ra đời từ cuối thế kỷ 19 với sự thành lập của Hiệp hội các trường đại học và trung học vào năm 1885.
Sang thế kỷ 20, thông qua các đạo luật giáo dục, Mỹ từng bước thể hiện vai trò trong công tác kiểm định song công việc này vẫn do các trung tâm kiểm định độc lập.
Để đảm bảo tính chính xác, những trung tâm kiểm định phải được Bộ Giáo dục Mỹ (USDE) hoặc Hội đồng Kiểm định Giáo dục Đại học (CHEA) công nhận.
CHEA là cơ quan có quyền công nhận các trung tâm kiểm định chất lượng uy tín. Ảnh chụp màn hình.
Tuy nhiên, một số trung tâm vẫn hoạt động dù không được hai cơ quan trên công nhận. Họ có thể là các tổ chức có tên tuổi nhưng không có điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn của USDE hay CHEA.
Hiện tại, Mỹ có gần 90 trung tâm được một trong hai hoặc cả hai cơ quan USDE và CHEA công nhận.
Những trung tâm này chia thành 4 loại là kiểm định vùng, kiểm định quốc gia, kiểm định theo ngành/chuyên ngành và kiểm định theo tôn giáo.
Hầu hết kiểm định viên là người trong giới đại học, đảm bảo nguyên tắc đồng nghiệp đánh giá. Nhờ đó, các quy trình, quy định về kiểm định chất lượng đánh giá đúng thực tế đào tạo tại các trường trên cả nước.
Hiện tại, Mỹ có gần 90 trung tâm kiểm định được công nhận bởi USDE và CHEA. Những trung tâm này đã kiểm định cho hơn 7.600 cơ sở đào tạo (có cấp bằng và không cấp bằng) cùng hơn 23.700 chương trình đào tạo.
Quy trình kiểm định bao gồm 5 bước. Đầu tiên, trường nghiên cứu tiêu chuẩn của trung tâm kiểm định rồi chọn cơ quan phù hợp, thường là những trung tâm nằm trong danh sách được USDE và CHEA công nhận.
Sau đó, trường tự đánh giá nội bộ. Tiếp đến, trung tâm tổ chức kiểm định tại hiện trường trước khi thẩm định, xem xét kết quả. Khâu cuối cùng trong kiểm định chất lượng giáo dục đại học là tái kiểm định và gia hạn kiểm định.
Các trung tâm ở Mỹ không có tiêu chí kiểm định chung nhưng đều tập trung việc đánh giá chất lượng đầu vào, quá trình đào tạo và đầu ra.
Những tiêu chuẩn chính bao gồm sứ mạng, tổ chức và quản lý, chương trình đào tạo, giảng viên, sinh viên, thư viện và các nguồn thông tin, cơ sở vật chất và công nghệ thông tin, tài chính, công khai, tính trung thực, trách nhiệm và đạo đức.
Sức ép tuyển sinh
Việc kiểm định chất lượng không bắt buộc nhưng hầu hết cơ sở giáo dục uy tín đều đăng ký để tự phân biệt với những "trường ma" hay “lò sản xuất bằng”.
Mỹ không quy định chỉ những trường đã qua kiểm định mới được tuyển sinh song phần lớn nhà tuyển dụng chỉ công nhận bằng cấp từ các trường đã được đánh giá chất lượng bởi những tổ chức uy tín.
Tỷ lệ trúng tuyển khóa học 2016-2020 của các trường đại học thuộc Ivy League. Đồ họa: Nguyễn Sương. Nguồn: Ivycoach.
Giới trẻ Mỹ cũng không tìm mọi cách để học đại học mà cân nhắc nhiều yếu tố như năng lực học tập, khả năng tài chính của bản thân, chất lượng đào tạo của trường, triển vọng việc làm. Kết quả kiểm định chất lượng là căn cứ để họ đưa ra quyết định.
Kiểm định chất lượng đảm bảo học sinh nhận được thông tin chính xác về trường và các chương trình đào tạo, bao gồm dịch vụ nhận được trong quá trình học cũng như những thành tích của sinh viên tốt nghiệp.
Ngoài ra, kiểm định chất lượng là điều kiện cần thiết để sinh viên có thể tiếp cận nguồn hỗ trợ tài chính của liên bang. Đây cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy các trường đăng ký kiểm định để thu hút người học.
Sinh viên theo học tại những trường đã qua kiểm định còn có thêm lợi thế liên thông tín chỉ giữa các đại học và được xét nhận vào chương trình sau đại học với tỷ lệ thành công cao hơn.
Với những yếu tố trên, dù không bắt buộc, công tác kiểm định chất lượng vẫn được thực hiện nghiêm túc.
Để thuận tiện cho người học, tất cả kết quả kiểm được công khai minh bạch trên trang web của USDE, CHEA và trung tâm kiểm định (học sinh vào trang web của trường để xác định trường được trung tâm nào đánh giá).
Thông qua những kênh này, thí sinh có thể tìm kiếm các thông tin quan trọng như chương trình đã được kiểm định, tỷ lệ trúng tuyển, tỷ lệ tốt nghiệp, cơ sở vật chất, nguồn thông tin tỷ lệ giảng viên trên sinh viên, sinh viên ra trường có việc làm hoặc thu nhập bình quân của cựu sinh viên.
Khi người học coi trọng kết quả kiểm định chất lượng, để tuyển được sinh viên và xây dựng uy tín, các trường đại học, cao đẳng phải đảm bảo tiêu chí kiểm định, bao gồm chất lượng sinh viên.
Vì thế, phần lớn trường đại học ở Mỹ tuyển sinh khắt khe, chú trọng năng lực học tập, triển vọng thành công của thí sinh. Những người đạt kết quả thấp trong quá trình học phổ thông hay trong kỳ thi đánh giá năng lực (thường là SAT hoặc ACT) không thể trúng tuyển đại học.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]