Theo tôi, không nên dẹp bỏ chuyện dạy thêm, học thêm, nhưng cần thay đổi cách tư duy và hình thức tổ chức để tránh những tiêu cực đi kèm như lâu nay vẫn diễn ra.
Không nên dẹp bỏ hình thức dạy thêm, học thêm
Trước hết cần quan niệm rằng mỗi con trẻ là một chủ thể duy biệt, có đặc điểm, khuynh hướng và khả năng khác nhau. Vì lý do này, trước một chương trình, bài học, trong lớp có học sinh tiếp nhận, nắm bắt nhanh, có học sinh chậm hơn là điều bình thường.
Từ cách nhìn đó, các nước có nền giáo dục phát triển mà tôi biết như Phần Lan, Pháp đang đẩy mạnh cách thức giáo dục phân hóa (pédagogie différenciée), nghĩa là giáo viên phải dựa trên nhu cầu, đặc điểm tâm thể lý của từng học sinh để soạn kế hoạch giảng dạy cho từng em, nhằm giúp từng con trẻ phát triển tốt nhất có thể.
Theo hướng này, chuyện học thêm, kèm riêng cho học sinh là điều cần thiết, là một trong những cách thức tốt để giảm bớt khoảng cách giữa học sinh có khả năng và những học sinh có khả năng ít hơn; cũng là cách tốt trợ giúp mỗi học sinh học tập tốt nhất theo con đường riêng của mình.
Học sinh vừa tan học buổi chiều phải ăn vội trong vòng 10 phút để tiếp tục học thêm lúc 17h. Ảnh minh họa: VietNamNet.
Dạy thêm ở Pháp
Các con tôi đang học ở Pháp. Năm học rồi, con trai đầu đang học lớp 4 đã học thêm 2 buổi, còn con trai thứ ba đang học lớp 1 thì phải học thêm nhiều hơn, nhưng hình thức học thêm không theo kiểu Việt Nam.
Tôi đặt câu hỏi về vấn đề này với cô giáo của cháu, sau đây xin lược ghi nội dung trả lời của cô như sau:
Trong lớp, nếu giáo viên phát hiện cháu nào đó có vấn đề cần kèm riêng, giáo viên đó sẽ nói chuyện và đề xuất phụ huynh cho cháu học thêm ngoài giờ học chính thức.
Nếu phụ huynh đồng ý, giáo viên sẽ trình bày với ban giám hiệu về kế hoạch học thêm của cháu, tùy mức độ vấn đề của cháu để nhà trường có kế hoạch. Thường là có ba mức độ như sau :
Ở mức độ nhẹ với những vấn đề không quan trọng, chẳng hạn học sinh chưa biết cách tra cứu từ điển, cháu có thể được kèm bởi một tình nguyện viên (thường là những người đã làm trong lĩnh vực văn hóa và giáo dục và đã về hưu, tự nguyện cộng tác với nhà trường). Việc kèm thêm chỉ diễn ra một vài lần, khi vấn đề của cháu được giải quyết thì dừng lại.
Mức độ thứ hai phổ biến nhất là những học sinh gặp khó khăn với các môn học như Toán, tiếng Pháp, Khoa học... Trong trường hợp này, chính giáo viên đứng lớp là người dạy thêm cho học sinh.
Ở trường của con tôi, các giáo viên thường đề nghị phụ huynh đưa học sinh đến trước 30 phút để cô giáo kèm riêng cho cháu. Thời lượng học thêm này tùy mức độ vấn đề của học sinh, lúc nào giáo viên thấy cháu hết gặp khó khăn thì dừng lại.
Mức độ thứ ba là những học sinh có những vấn đề thuộc về thể trạng, tâm lý. Chẳng hạn, những trường hợp trẻ chậm phát triển, ban giám hiệu trường, giáo viên đứng lớp (có khi là cả các giáo viên khác đã từng dạy cháu), cha mẹ của học sinh và chuyên gia tâm lý phải họp lại để phân tích và lên kế hoạch giúp cháu.
Nếu cần thiết, chuyên gia tâm lý sẽ can thiệp, hoặc lập hồ sơ đề nghị cấp quản lý giáo dục địa phương cử chuyên gia được đào tạo đến kèm riêng cho cháu trong các giờ học.
Những trường hợp học sinh này thường được quan tâm một cách đặc biệt. Những buổi họp nhiều bên thường được triệu tập theo yêu cầu của giáo viên đứng lớp dựa trên nhu cầu của học sinh.
Ngoài ra, trường học còn tổ chức một buổi trong tuần (ở trường của các con tôi là vào chiều thứ ba), để học sinh nào có nhu cầu thì đăng ký và được các tình nguyện viên kèm làm bài tập ngay tại trường.
Nghĩa là, chuyện dạy thêm vẫn được duy trì ở Pháp (cũng như ở Phần Lan và các nước khác mà tôi đã thấy). Điều này thuộc trách nhiệm của nhà trường, dựa trên nhu cầu của từng học sinh, được tổ chức trong nhà trường và không liên quan gì đến tiền bạc.
Giáo viên đứng lớp thường là người khởi xướng, đề nghị kế hoạch dạy thêm, vì chính giáo viên này là người am hiểu về từng học sinh của mình.
Đã nhiều năm gắn bó, tôi rất quý các giáo viên trong ngôi trường của các con mình, vì thấy họ thể hiện thực sự trách nhiệm của những "mẹ hiền" đến từng học sinh mà những kế hoạch dạy thêm là một sự thể hiện cụ thể.
Một cách làm khác
Ở Việt Nam, muốn giải quyết tận căn chuyện dạy thêm không có kiểm soát và tiêu cực hiện nay, theo tôi, trước hết ngành nên tăng lương cho giáo viên đủ sống cùng với tăng trách nhiệm của họ.
Chuyện giáo viên cố tình dạy qua loa trên lớp, cốt yếu để buộc phụ huynh phải gửi con đến nhà riêng của mình để học thêm nên được xem là hình thức tham nhũng, một sự gian dối trong giáo dục cần phải dẹp bỏ.
Nhà trường nói chung, và giáo viên đứng lớp nói riêng phải chịu trách nhiệm về chuyện học hành ở trường của học sinh.
Nói cách khác, dạy thêm là trách nhiệm của giáo viên, chuyện ở trường học, nếu học sinh có vấn đề gì đó liên quan học tập.
Không nên dẹp bỏ dạy thêm, học thêm, nhưng nên được tổ chức trong khuôn khổ nhà trường và không liên quan gì đến tiền bạc.
Nói cách khác, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm phải "bao" học sinh của mình về chuyện học hành, nếu dạy trong giờ chính thức mà có học sinh nào đó không hiểu thì phải tìm giải pháp dạy kèm. Nếu một mình không giải quyết được những vấn đề trong chuyện học tập của học sinh, giáo viên cần phối hợp với những người khác để cùng lo cho trẻ.
Làm được vậy, chuyện dạy thêm ở bên ngoài nhà trường kiểu buôn bán chữ sẽ được giải quyết, vì phụ huynh không có nhu cầu gửi con đi học thêm bên ngoài và cũng không còn chuyện giáo viên cố tình dạy qua loa trên lớp, khi nhà trường đã "bao" học sinh.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]