“Bắt cóc bỏ đĩa”…
Trong quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 vừa công bố, Bộ GDĐT nhấn mạnh, bắt đầu từ năm 2018, các trường bắt buộc phải công bố tổng chi phí để đào tạo một sinh viên/năm, tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 khóa gần nhất so với năm tuyển sinh (theo nhóm ngành).
Năm 2018 các trường buộc phải công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường. Ảnh: Nguyễn Thiêm
Bộ nên đặt hàng các tổ chức độc lập có đủ năng lực để thực hiện. Các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục có thể thực hiện nhiệm vụ này, vì trên thực tế khi đi đánh giá các cơ sở giáo dục đại học, các đoàn chuyên gia của các trung tâm cũng đã phải thẩm định rất kỹ lưỡng về tỷ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp sau 12 tháng của nhà trường”. GS-TS Nguyễn Quý Thanh |
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho biết, việc công bố tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm tới đây sẽ là một trong những tiêu chí để đánh giá, phân loại, xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH. Đây cũng là căn cứ để thí sinh, phụ huynh và xã hội nhận diện và lựa chọn trường ĐH, CĐ nào đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng đào tạo ra trường rồi thất nghiệp.
Bà Phụng cũng thừa nhận, mặc dù yêu cầu này đã được thực hiện từ năm 2009 trong quy định về 3 công khai nhưng rất nhiều trường thực hiện chưa nghiêm túc, có tình trạng thống kê cho có hoặc không công khai. Để siết chặt quy định này, năm nay, Bộ GDĐT cho biết Bộ sẽ có cơ quan kiểm tra độc lập những số liệu thống kê của các trường. Trường nào không công khai đầy đủ thông tin sẽ không được thông báo tuyển sinh.
Tuy vậy, việc thống kê chính xác, đầy đủ tỷ lệ này để công khai, theo các trường cũng là một việc không hề dễ dàng. Lãnh đạo một trường ĐH tại Hà Nội cho biết: “Hầu hết các trường chỉ nhằm lúc sinh viên tốt nghiệp khoảng 3 tháng để khảo sát. Lúc này tỷ lệ có việc làm chiếm rất ít, hầu hết các em chỉ làm việc tạm thời, không đúng chuyên ngành đào tạo. Sau thời gian này rất khó để tiếp cận các em để khảo sát. Hơn nữa, sinh viên trong 3 năm đầu sau khi ra trường thường nhảy việc liên tục, mức thu nhập cũng thấp và thường rơi vào tình trạng thất nghiệp tạm thời nên việc thống kê chẳng khác nào… đếm vịt trời. Đếm xong “nó” lại bay đi mất” – vị này nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Trung tâm đánh giá kỹ năng nghề và quan hệ doanh nghiệp – ĐH Công nghiệp Hà Nội cho rằng, để khảo sát có kết quả chính xác nhất các trường phải thực hiện rất tỉ mỉ chứ không thể làm hời hợt được. “Trước khi phát phiếu khảo sát cho sinh viên, trường phải làm công tác tuyên truyền để sinh viên nhận thức được việc trả lời các khảo sát không chỉ giúp cho trường, cho các khóa sau mà còn giúp bản thân các em định hướng được khả năng tiếp cận với công việc trong vòng 1 – 2 năm tới” – ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, ngoài phát phiếu điều tra, trường ĐH Công nghiệp còn liên tục khảo sát bằng bảng hỏi trên website của trường. Tuy nhiên ông Thành cũng thừa nhận: “Số liệu có được nhiều nhất vẫn là tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 6 tháng trở lại. Tỷ lệ này tại Trường ĐH Công nghiệp dao động từ 60 – 85%. Còn sau 6 tháng thì khó thống kê hơn”.
Làm gì để tránh gian lận?
Trong khi các trường ĐH, CĐ đang còn cạnh tranh “ngột thở” mỗi mùa tuyển sinh để có người học thì nhiều người lo ngại việc công khai tỷ lệ sinh viên có việc sau ra trường rất dễ gian lận.
Anh Nguyễn Văn Công - cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế kỹ thuật Bình Dương rất bức xúc khi đọc thông tin công khai tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm trên website trường mình: “Em tốt nghiệp đã 3 năm nay nhưng vẫn chưa có việc làm ổn định. Bạn bè trong lớp cũng rất nhiều đứa phải đi làm trái ngành, trái nghề, nhiều đứa thất nghiệp về quê buôn bán. Vậy mà trên website của trường đề 100% sinh viên ra trường có việc làm (năm 2014 – 2015), em và rất nhiều bạn trong lớp chưa từng trả lời phiếu hỏi nào của trường nên không biết nhà trường lấy số liệu ở đâu?”.
Theo TS Phạm Thị Ly (ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh), các số liệu công bố từ các trường nếu không có công cụ kiểm chứng tốt sẽ không chắc chắn được độ tin cậy. Không những thế nó còn tạo ra tác dụng ngược. TS Ly cũng cho rằng, cần có sự tham gia của các tổ chức, cơ quan, cá nhân có lợi ích liên quan và có khả năng chất vấn nhà trường để tạo cơ chế minh bạch.
Một chuyên gia giáo dục khác thì cho rằng, rất nhiều trường ĐH nước ta đang đặt mục tiêu số lượng hơn chất lượng. “Nhiều trường để thu hút sinh viên đông sẽ tìm cách “làm đẹp” số liệu sinh viên ra trường có việc làm. Nếu không kiểm soát được điều này, quy định công khai không có ý nghĩa gì” – vị này nói.
Nói về vấn đề này, GS-TS Nguyễn Quý Thanh – Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, trong quy chế tuyển sinh mới Bộ đã đưa ra chế tài cụ thể “nếu không công bố đúng sẽ dừng tuyển sinh”. Ngoài ra, Bộ cũng nói sẽ tổ chức thẩm định độc lập. Để làm được điều này, Bộ GDĐT sẽ không phải là đơn vị kiểm tra và không can thiệp vào kết quả của người được giao kiểm tra. Đồng thời phải có ngân sách để thực hiện việc này theo cơ chế độc lập.
Ngoài ra, theo GS Thanh, nếu giao cho các trung tâm kiểm định cũng cần có cơ chế và chế tài “kiểm định người kiểm định”. Cụ thể, các trung tâm này không thể có “quyền lực tuyệt đối”, mà phải chịu sự giám sát của nhiều bên như Bộ GDĐT, các trường được thẩm định và xã hội. Nếu các trung tâm này cố ý làm sai lệch kết quả thẩm định sẽ bị xử lý nghiêm.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]