Sáng 17-10, tại Đà Nẵng, Phiên họp toàn thể Ủy ban kinh tế của Quốc hội nhằm chuẩn bị các báo cáo thẩm tra trình tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV diễn ra.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Trung - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT - cho biết năm 2017 kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 4%. Nổi bật năm 2017 là tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 6,7%, hoàn thành mục tiêu đề ra. Quy mô GDP (theo giá hiện hành) đạt khoảng 5 triệu tỉ đồng, tương đương khoảng 225 tỉ USD. GDP bình quân đầu người khoảng 2.400 USD.
“Trong đó, đóng góp chủ yếu là của khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo nhờ sự tăng sản lượng đột biến của các doanh nghiệp lớn như nhà máy Samsung, nhà máy Formosa”, ông Trung nói.
Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, ước đạt 202 tỉ USD. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 33,4% GDP, trong đó vốn FDI thực hiện tăng mạnh, ước đạt 17 tỉ USD… Nhờ đó, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế năm 2017 tăng 5 bậc: Đứng thứ 55/137 quốc gia, vượt qua Philippines và đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN.
Ông Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại phiên họp toàn thể sáng nay. Ảnh: TẤN VIỆT.
Trên cơ sở đó, Chính phủ dự kiến đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 từ 6,5-6,7%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33-34% GDP.
Trong khi đó, ông Bùi Sỹ Lợi (Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội) cho rằng, tiến độ về việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, giải ngân vốn nước ngoài… rất chậm.
“Tốc độ giải ngân thế này thì làm sao đạt 6,7% tăng trưởng GDP. Mà nếu đúng thì làm sao năm 2018 lại đặt mục tiêu tăng trưởng chỉ 6,5% thôi. Đang đà tăng trưởng tốt mà đặt thụt lùi như vậy thì rất đáng suy nghĩ. Làm kinh tế mà thấy như vậy thì rất buồn”, ông Lợi nói.
Không đồng tình với báo cáo tại phiên họp cho rằng đã giải quyết được hơn 1,6 triệu lao động, ông Bùi Sỹ Lợi nói: "Tôi đi khảo sát thì 80% chạy Grab xe ôm là sinh viên ra trường thất nghiệp mới làm việc đó. Như vậy thì đào đâu ra con số hơn 1,6 triệu lao động mới".
Cũng theo ông Lợi, thời kỳ dài chúng ta trải thảm đỏ mời chào nhà đầu tư nước ngoài vào nhưng họ chỉ sử dụng lao động phổ thông, thủ công. "Sắp đến cách mạng công nghiệp 4.0 tràn vào nước ta, các doanh nghiệp đều nói họ sẽ thay lao động thủ công bằng bán cơ khí và rô-bốt thì nhiều lao động sẽ không có việc làm”, ông Lợi lo lắng.
Ông Bùi Sỹ Lợi cũng cho hay lương cơ sở những năm qua liên tục được điều chỉnh nhưng đang có một nghịch lý là tốc độ tăng lương cơ sở nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động. Năm 1993, lương cơ sở là 120.000 đồng thì năm 2017 là 1,3 triệu đồng. Như vậy, 24 năm qua, lương cơ sở tăng 10,87%/năm nhưng năng suất lao động mỗi năm tăng chỉ vài phần trăm.
“Vậy thì hiệu quả nền kinh tế ở đâu?”, ông Lợi đặt câu hỏi.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]