Công nghệ thông tin (CNTT)
Với nhu cầu cao của ngành CNTT như hiện nay, các bạn sinh viên ngành này từ năm thứ 2 trở lên có thể dễ dàng đi làm thêm cho các công ty công nghệ vừa và nhỏ. Lĩnh vực IT có rất nhiều công việc với những chuyên môn khác nhau cho sinh viên lựa chọn, từ đơn giản đến phức tạp, như quản trị mạng, lập trình viên, thiết kế hệ thống, bảo mật và an ninh mạng, thiết kế website, làm SEO… Mức thu nhập khi đi làm thêm của các bạn sinh viên CNTT cũng khá đa dạng, trung bình trong khoảng 2-8 triệu đồng/tháng.
Buổi học thực hành của sinh viên Aptech.
Thực tế, bên cạnh việc kiếm tiền, việc đi làm thêm còn giúp sinh viên CNTT rèn luyện kiến thức chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm… để làm bàn đạp vào làm tại các công ty công nghệ lớn trong nước hoặc của nước ngoài sau khi ra trường. Đây là điều dễ hiểu, bởi hiện tại, ngoài kiến thức chuyên môn, các công ty đều đòi hỏi nhân viên của mình phải được trang bị kỹ năng mềm, ngoại ngữ, tính tuân thủ quy trình làm việc…
Em Nguyễn Văn Phượng, sinh viên của Hệ thống đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aptech chia sẻ: “Em làm quen và đam mê máy vi tính từ năm cấp 3, nhưng phải đến khi vào học ở Aptech mới thực sự được tiếp cận với những công nghệ lập trình mới nhất. Hiện em vừa học, vừa làm thêm cho một công ty chuyên thiết kế website. Thu nhập tuy không ổn định, nhưng dao động trong khoảng 3-4 triệu đồng/tháng”.
Mỹ thuật đa phương tiện
Nghề mỹ thuật đa phương tiện có một đặc thù thú vị là các bạn sinh viên có thể nhận việc làm thêm với tư cách cá nhân hay nhóm, tại nhà, hoặc đến văn phòng công ty. Công việc cũng rất đa dạng, như thiết kế các ấn phẩm truyền thông (poster, standee, banner…), quay và dựng đồ họa clip, thiết kế infographic…
Sinh viên Arena đang chụp ảnh trong studio.
Khảo sát tại một số doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hà Nội và TP HCM cho thấy, các doanh nghiệp này có xu hướng không muốn thuê một thiết kế làm toàn thời gian. Thay vào đó, họ thuê sinh viên hoặc người làm nghề tự do (freelancer) để đảm nhận công việc khi cần, hay vào thời điểm chạy dự án gấp. Hình thức này đang chiếm khoảng 30-40% khối lượng công việc của thị trường việc làm mỹ thuật đa phương tiện.
Do thuê ngoài nên các doanh nghiệp cũng đưa ra đòi hỏi khá khắt khe đối với chất lượng sản phẩm thiết kế. Theo chị Trần Lan Anh, công ty làm về truyền thông của chị thường xuyên phải thuê các bạn sinh viên về chạy dự án, phổ biến trong số đó đến từ trường Đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Arena.
Lý giải về điều này, chị Lan Anh cho hay: “Các bạn sinh viên Arena học trong môi trường học theo tiêu chuẩn quốc tế, thường xuyên được cọ xát với công việc thực tế nên khi giao việc không phải hướng dẫn công việc nhiều”.
Báo chí
Báo chí nằm trong số những ngành mà sinh viên được khuyến khích đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm. Sinh viên báo chí có khá nhiều lựa chọn, như cộng tác viên cho các cơ quan báo chí, tham gia dẫn chương trình, cộng tác viên ảnh, tổ chức sự kiện - truyền thông… Thu nhập của các bạn, theo đó, cũng khá đa dạng, phụ thuộc vào công việc làm thêm đã lựa chọn.
Sinh viên báo chí có khá nhiều lựa chọn như cộng tác viên cho báo chí, tham gia dẫn chương trình...
Tuy nhiên, để trở thành một cộng tác viên, hay một người dẫn chương trình, sinh viên sẽ luôn phải cố gắng và phấn đấu rất nhiều để đáp ứng những đòi hỏi cao của cơ quan báo chí, từ đi nhiều để tìm kiếm đề tài, viết nhiều cho đến việc tích lũy cho mình kiến thức để tác phẩm báo chí trở nên chất lượng và có chiều sâu hơn…
Cũng nhờ vậy, sinh viên ngành báo chí thường được đánh giá là những bạn trẻ năng động, sáng tạo và bạo dạn cả trong cuộc sống và công việc hàng ngày.
Kinh tế
Ngành sở hữu các bạn sinh viên năng động không kém ngành báo chí phải nhắc đến kinh tế. Các bạn sinh viên thuộc ngành kinh tế có thể trải nghiệm công việc làm thêm ở các vị trí như PG, bán hàng thời vụ, hay làm cộng tác viên marketing… Trong số đó, bán hàng là công việc được nhiều bạn lựa chọn hơn cả. Thu nhập của việc làm thêm này cũng không hề thấp, thậm chí cao, nếu như bạn biết cách bán hàng hiệu quả và được ăn chia hoa hồng theo doanh thu công ty kiếm được.
Sinh viên kinh tế có thể trải nghiệm các công việc làm thêm ở các vị trí như PG, bán hàng thời vụ hay cộng tác viên marketing.
Em Lê Vân Ngọc - sinh viên năm 3 Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) cho biết: “Không dễ nhưng cũng không quá khó khăn để bạn tìm một việc làm thêm. Điều quan trọng là bạn cần bạn nhiệt tình và kiên nhẫn. Khi đó, cơ hội sẽ tự tìm đến với bạn”.
Hiện Ngọc làm cộng tác viên kinh doanh cho một thương hiệu mỹ phẩm tại Hà Nội với mức thu nhập trung bình 1,5-2,5 triệu đồng/tháng.
Sư phạm
Đi dạy gia sư là một trong những công việc được nhiều bạn sinh viên theo học chuyên ngành sư phạm lựa chọn. Đây được xem là một trong những cách tốt nhất để vừa rèn luyện kiến thức cũ đã học ở cấp 3, vừa trau dồi kỹ năng sư phạm. Sinh viên có thể dạy nhiều môn như Toán, Văn, Anh, Lý… cho nhiều đối tượng khác nhau, từ cấp 1 đến cấp 3.
Làm gia sư giúp sinh viên sư phạm vừa rèn luyện kiến thức cũ đã học ở cấp 3, vừa trau dồi kỹ năng sư phạm.
Hiện nhu cầu thuê gia sư về dạy tại nhà ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng… rất lớn, nên chăm chỉ bạn sẽ ít khi lo thất nghiệp. Mặc dù vậy, nếu đã quyết định đi dạy thêm, bạn sẽ phải hy sinh một số buổi tối trong hoặc cuối tuần cho công việc.
Thực tế, đi làm thêm ngày nay đối với các bạn sinh viên vừa dễ, vừa khó. Bởi tìm công việc làm thêm thì dễ, nhưng được làm đúng chuyên ngành đang học lại hoàn toàn trái ngược. CNTT, mỹ thuật đa phương tiện… là những ngành đào tạo có tính thực hành cao, do đó sinh viên sớm có cơ hội ra ngoài làm việc. Công việc này cũng giúp khi vừa ra trường, bạn đã có ngay một bộ sơ yếu lý lịch thể hiện kinh nghiệm, kỹ năng... cho vị trí mình ứng tuyển.a
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]