1. Lo lắng học- thi, một học trò gửi tâm thư tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Phan Duy Hưng - cậu học sinh lớp 12 gửi tâm thư đến phó thủ tướng Phó Đức Đam.
Đó là bức tâm thư của em Phan Hưng Duy học sinh lớp 12, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Châu Đốc, tỉnh An Giang. Trước những thay đổi lớn về kỳ thi chung Quốc gia năm 2015, Phan Duy Hưng cảm thấy rất lo lắng. Bởi vậy, em đã gửi đến Phó thủ tướng Vũ Đức Đam những suy nghĩ của mình về kỳ thi chung quốc gia sắp tới. “Xin đừng mạo hiểm tương lai nhiều thế hệ một cách thiếu trách nhiệm chỉ vì một chút vội vàng, một chút danh dự, một chút bảo thủ.
Chúng ta không thể một bước tới trời, không thể quá kì vọng và mơ mộng cho rằng chỉ đổi mới kì thi là một tương lai tốt đẹp đầy nắng và gió sẽ đón chờ nền giáo dục nước nhà, dù không thể phủ nhận đổi mới thi cử có tác động không nhỏ đến thái độ học tập của học sinh.
Nhưng, xin hãy lưu tâm đó vẫn chỉ là một nhiệm vụ trong rất nhiều nhiệm vụ cần làm để chấn hưng nền giáo dục nước nhà mà thôi”. Đọc những dòng thư của cậu học sinh lớp 12 gửi đến Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chắc hẳn trong mỗi chúng ta đều cảm thấy có cái gì như nghẹn đắng nơi cổ họng. Phan Duy Hưng đã nói lên những nỗi niềm của tất thảy các học sinh đang chuẩn bị bước vào kỳ thi đánh dấu bước chuyển biến lớn trong cuộc đời của mỗi học sinh. Để chấn hưng nền giáo dục Việt Nam ngày một toàn diện hơn đó là niềm mong muốn lớn những người dân Việt Nam.
2. Xúc động với bức tâm thư GS Văn Như Cương gửi cha mẹ học sinh
PGS Văn Như Cương- hiệu trưởng trường Phổ Thông Dân Lập Lương Thế Vinh (Hà Nội), đã gửi một bức tâm thư đầy xúc động tới toàn thể các bậc phụ huynh học sinh.
Bức tâm thư cùng những câu chữ giản dị, thân tình và đầy tâm huyết của PGS Văn Như Cương, đã nhắn nhủ tới các bậc làm cha, làm mẹ trong xã hội hiện nay về cách nuôi dạy con trẻ. Đó là "thận trọng và bình tĩnh khi nhận xét và đánh giá con cái của mình", "đừng quá nuông chiều đến mức thỏa mãn mọi đòi hỏi của con cái", hay dạy con cái chúng ta có tấm lòng nhân ái, biết làm việc từ thiện dù rất nhỏ và có thái độ thân thiện đối với mọi người".
“Hãy dạy con cái chúng ta có tấm lòng nhân ái, biết làm việc từ thiện dù rất nhỏ và có thái độ thân thiện đối với mọi người. Lòng thương người, tính đôn hậu là tính tốt cơ bản nhất mà mỗi con người nên có. Hãy để cho trẻ con chúng ta biết đến, nghĩ đến biết bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn, biết bao số phận cay đắng, biết bao hoàn cảnh ngặt nghèo của rất nhiều người trong xã hội. Đối với những người như vậy một sự chia sẻ về vật chất và tinh thần, một lời động viên, một cử chỉ đồng cảm... chính là thể hiện lòng nhân ái đối với họ. Lòng nhân ái trong mỗi người sẽ xóa tan sự đố kị, sự vô cảm, sự thù hận... và làm cho trẻ con của chúng ta tốt đẹp và cao thượng hẳn lên.” - Trích thư của PGS Văn Như Cương gửi phụ huynh học sinh.
3. Cô hiệu trưởng viết thư dặn dò học trò trước kỳ thi tốt nghiệp
Cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chu (Hà Nội).
Đó là bức tâm thư của cô Nguyễn Thị Nhiếp – Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) gửi đến các em học sinh lớp 12 trong buổi phổ biến quy chế tốt nghiệp. Tất cả học sinh như lặng người đi khi nghe những dòng thư chứa chan tình cảm của cô. Trong thư, cô động viên học trò của mình luôn cố gắng, nỗ lực để đạt được kết quả tốt nhất, khẳng định bản thân để báo đền cha mẹ.
Đặc biệt, cô còn dặn dò học trò nhớ giờ giấc để không bị đi thi muộn, không ăn quá no vào ngày thi, nhà trường sẽ hỗ trợ bánh mì và sữa cho học trò nào không kịp ăn sáng… Cô khuyên học trò phải có thái độ nghiêm túc, cử chỉ và lời nói lễ độ với các giám thị; không được xả rác sau khi thi xong… Cuối thư, cô nói: “Cô luôn yêu các con. Giá như có thể ôm được các con trước kỳ thi, thì cô sẽ ôm từng con một và nói: Cố lên nào, con yêu!"
Bức tâm thư của cô đã khiến cho hàng trăm học sinh xúc động, nghẹn ngào bởi tình yêu thương vô bờ bến của cô với những thế hệ học trò.
4. Thầy Văn Như Cương viết thư chia sẻ với học trò ngày khai giảng
Thầy Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường Phổ Thông Dân Lập Lương Thế Vinh (Hà Nội).
Bức thư của thầy ngắn gọn, không hề có những lời răn dạy đầy giáo điều, sách vở, thầy nhắc học sinh hãy biết "vượt qua thử thách, nắm bắt cơ hội ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường; hãy biết tiết kiệm thời gian, đừng gọi điện thoại quá nhiều, nhắn tin vô bổ, lên mạng để câu giờ, đàn đúm, bê tha, bàn luận những điều nhảm nhí". Đồng thời, thầy cũng khuyên học trò hãy chủ động tự học, đừng đi học thêm quá nhiều vì “học thêm là con đường ngắn nhất làm trí tuệ trở thành “thiểu năng”.
Thùy Phạm (TH) - Landmarkvietnam
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]