Julia Pimsleur là nhà sáng lập, CEO của Công ty Little Pim chuyên sản xuất chương trình dạy ngoại ngữ cho trẻ em và hiện là diễn giả, huấn luyện viên nổi tiếng tại Học viện Double Digit Academy (Mỹ). Cha bà là tiến sĩ Paul Pimsleur - một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về ngôn ngữ học ứng dụng. Ông là cha đẻ của phương pháp học ngoại ngữ Pimsleur vốn dựa trên nguyên tắc đoán trước và ghi nhớ.
Cách đây 10 năm, khi mới sinh con, Julia muốn tìm phần mềm dạy ngoại ngữ tại nhà cho con trai, vì nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng thời điểm tốt nhất để trẻ học một ngôn ngữ là từ 0 đến 6 tuổi. Hết thời gian nghỉ sinh, Julia vừa tiếp tục công việc gây quỹ cho một tổ chức phi lợi nhuận, vừa khởi nghiệp với Little Pim - phương pháp học tiếng Anh khoa học Pimsleur.
Bà thuê một nhà sản xuất để thực hiện 3 video đầu tiên tại nhà và thuê một nhân viên bán thời gian phụ giúp việc giao nhận các đơn đặt hàng. Cách làm này kéo dài trong suốt năm đầu tiên hoạt động cho đến cuối năm 2006, khi công ty bắt đầu phát triển, bà quyết định nghỉ việc và dành toàn thời gian cho Little Pim. Tuy công ty có tăng trưởng, nhưng đó chưa phải là mức mà Julia kỳ vọng.
Cho đến năm 2008, bà suy sụp tới mức đã cân nhắc đến việc đóng cửa Little Pim: “Tôi cảm thấy kiệt sức, mệt mỏi và muốn vứt bỏ hết. Dù đã làm việc rất vất vả nhưng tôi lại không nhìn thấy bức tranh tăng trưởng như mong muốn. Tôi còn hai con nhỏ ở nhà, tôi vừa phải làm mẹ vừa phải điều hành doanh nghiệp, mọi thứ trở nên mất phương hướng”.
May mắn là Julia không gục ngã, nhờ thay đổi tư duy. Julia nhận ra rằng, để đưa doanh nghiệp phát triển, bản thân cần phải suy nghĩ và cư xử khác đi, theo cách của những CEO công ty triệu đô. “Điều này đồng nghĩa với việc tôi phải vượt qua rào cản tự giới hạn niềm tin và dấn thân vào những công việc trước giờ không nghĩ mình làm được”, bà chia sẻ.
Thứ mà Julia muốn đề cập đến chính là việc gọi vốn, đặc biệt là trong series A - vòng cấp vốn đầu tiên của những quỹ đầu tư mạo hiểm dành cho những doanh nghiệp đã có doanh thu và có nhu cầu mở rộng quy mô.
Với kinh nghiệm gọi vốn cho tổ chức phi lợi nhuận, Pimsleur không gặp nhiều khó khăn trong vòng gọi vốn đầu tiên là seeding round (vòng đầu tư hạt giống). Thực tế, bà đã gọi được 432.000 USD từ các nhà đầu tư thiên thần. Tuy nhiên, số tiền này chưa đủ để công ty bứt phá.
Lúc các chuyên gia cố vấn khuyên nên gọi vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm, Julia đã cảm thấy sợ hãi. Bà tưởng tượng “đó sẽ là một căn phòng đầy những người đàn ông mặc đồ vest, nói những kiến thức tài chính phức tạp mà tôi không hiểu”. Tuy nhiên, một lần nữa, tư duy nghĩ lớn đã giúp Julia gọi được 1,4 triệu USD vốn đầu tư cho công ty hồi tháng 11/2008.
“Lúc đó, Little Pim đang phải cạnh tranh với các gã khổng lồ như Disney, Nickledeon hay Fisher Price - những công ty lớn với ngân sách chi cho hoạt động quảng cáo lên đến hàng triệu USD. Do đó, tiết kiệm không phải là cách tôi thuyết phục nhà đầu tư. Tôi muốn ít nhất mình phải tạo ra một sản phẩm thực sự chất lượng, sau đó đẩy mạnh quảng cáo mới có thể đủ sức cạnh tranh”.
Theo thống kê trên Crunchbase, tính đến nay, Little Pim đã gọi được 5,93 triệu USD qua 5 vòng gọi vốn. Trong đó, khoản vốn lớn nhất mà công ty nhận được là từ quỹ đầu tư Golden Seeds với 2,18 triệu USD vào tháng 8/2012.
Khi được hỏi khó khăn lớn nhất trong việc gọi vốn đầu tư mạo hiểm, Julia cho biết chính là việc tự học các kiến thức về tài chính và cách tiếp cận nhà đầu tư. Bà mất 9 tháng để vật lộn với những thuật ngữ tài chính, nắm rõ bảng tính, con số và tìm hiểu nhà đầu tư. Do đó, Julia đã quyết định giúp đỡ những phụ nữ khác bằng cách sáng lập ra Học viện Double Digit Academy.
“Không có ai hướng dẫn phụ nữ về kiến thức gọi vốn, do đó chúng trở thành thứ đáng sợ khiến họ chùn bước trước cánh cửa kinh doanh”, Julia phân tích.
Tính đến nay, Học viện Double Digit Academy của bà đã đào tạo 75 nữ học viên cách gọi vốn từ các nhà đầu tư thiên thần và nhà đầu tư mạo hiểm với tổng vốn họ gọi được lên đến 15 triệu USD, trải dài trong nhiều lĩnh vực từ khoa học, kinh doanh phần mềm cho đến bán nước giải khát.
Julia cho biết có 3 yếu tố nữ doanh nhân cần thay đổi nếu muốn phát triển công ty đạt doanh thu triệu đô, đó là: có tư duy đúng đắn, cải thiện kỹ năng và thiết lập mạng lưới quan hệ hữu ích. Trong đó, thứ khó nhất chính là thay đổi tư duy. Nếu một người có tư duy đúng đắn về việc “nghĩ lớn” thì họ sẽ biết cần làm gì để cải thiện kỹ năng của mình.
Và bên cạnh việc nghĩ đúng, biết nên làm thế nào thì họ vẫn nên có một mạng lưới xã hội gồm những nhân vật có tầm ảnh hưởng để học hỏi kinh nghiệm, thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn và có định hướng phát triển phù hợp với công ty.
Julia cũng chỉ ra những sai lầm mà phụ nữ cần khắc phục khi làm kinh doanh. Trước hết là học hỏi từ những công ty thành công có cùng mô hình kinh doanh. Nhiều người cho rằng kinh doanh là công việc phải tự nghĩ và làm tất cả mọi thứ từ hai bàn tay trắng. Điều đó không đúng! “Hãy vẽ lại toàn bộ lộ trình của những công ty thành công và thử áp dụng chúng vào công ty của bạn”, Julia đưa ra lời khuyên.
Thứ hai, nhiều phụ nữ mở công ty với một nửa số vốn từ chồng, người yêu, gia đình của họ mà quên rằng có thể tìm kiếm những sự hỗ trợ khác, một trong số là gọi vốn cộng đồng (crowd-funding).
Thứ ba, đừng ngại vay vốn ngân hàng.
Thứ tư, hãy học cách tha thứ cho bản thân và giao việc thay vì ôm đồm.
“Phụ nữ là người giỏi đa nhiệm và chính khả năng đó khiến họ nghĩ tốt nhất mình nên làm hết mọi thứ. Bạn cần biết mình giỏi lĩnh vực gì và chắc chắn rằng xung quanh luôn có một đội ngũ giỏi bổ trợ những kỹ năng còn thiếu của bạn. Hãy học cách giao việc thay vì ôm đồm hết mọi thứ”, Julia nói.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]