Anh Đào, đại diện bán hàng của Công ty Xi măng Hoàng Thạch tại miền Trung Tây Nguyên cho biết, do có tuổi nên không muốn tham gia các kênh đầu tư theo bạn bè, nhưng anh cũng thỉnh thoảng “lướt sóng” một số căn nhà trong ngõ tại TP. HCM.
“Tôi chỉ mua những căn mà chủ nhà quá cần tiền, sau đó sửa sang rồi bán lại hưởng chênh lệch. Đôi khi, vừa mua xong, chưa kịp sửa sang, có người hỏi mua lại cũng sang tay để hưởng mấy chục triệu đồng chênh. Tôi thường mua bán trực tiếp, người quen giới thiệu cho nhau chứ không qua môi giới”, anh Đào tâm sự.
Ngược lại với anh Đào, anh Thanh, một cư dân đang sinh sống tại TP. HCM lại tậu đất tận xã Đức Chính, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận. Lô đất anh mua có diện tích 1.000 m2 đất vườn, có cả vườn điều, hạt tiêu. Ngoài ra, anh Thanh còn mua thêm 2 mẫu bàu trồng sen. Tổng giá trị cả đất vườn, đất bàu khoảng 600 triệu đồng. Hiện anh đang cho người bà con thuê lại với tổng giá 46 triệu đồng/năm.
“Việc mua lô đất trên tiện một công đôi việc, vừa tạo thu nhập thêm cho họ hàng, vừa có thêm thu nhập cho gia đình mình, trong khi lại có chỗ để thỉnh thoảng đưa gia đình, bạn bè về thư giãn, các sản phẩm của nhà trồng được như sen, cá lóc, điều, tiêu… lúc nào cũng có sẵn. Khu vườn cách TP. HCM khoảng 130 km, đường đi lại thuận tiện, chỉ mất khoảng 2,5 - 3 tiếng đồng hồ chạy ô tô là đến. Hiện cả đất vườn và bàu sen có người trả chênh lệch 50 triệu đồng nhưng tôi không bán”, anh Thanh thổ lộ và cho biết, trước đây, anh có mua đất gần các khu công nghiệp hoặc trong khu dân cư giáp ranh thành phố, xây nhà trọ cho thuê, nhưng hiện giờ đầu tư vào những chỗ này không tốt như trước, nên anh quyết định chuyển về quê.
Trong khi đó, chị Nguyệt, một công nhân người Thanh Hóa, hiện đang lao động tại Hàn Quốc đã thông qua gia đình ở quê, dốc số tiền tích cóp để mua 3 lô đất liền kề có tổng diện tích 400 m2 tại Đông Anh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, với tổng giá trị gần 1 tỷ đồng.
“Giá đất tại quê đang giảm vài chục triệu một lô, vị trí các lô đất này cũng khá đắc địa, nằm sát mặt Quốc lộ 47, hiện đang được nâng cấp phục vụ tuyến đường nối TP. Thanh Hóa lên Sân bay Sao Vàng. Không chỉ bám mặt đường, các lô đất này còn gần bệnh viện, trường học, chợ. Hơn nữa, sắp tới, nhiều người đi xuất khẩu lao động về, kiểu gì cũng sẽ mua đất, vì vậy mình phải đi trước một bước”, chị Nguyệt lý giải lý do mua đất thời điểm này.
Bất chấp thị trường bất động sản tại các thành phố lớn ảm đạm, đất thổ cư ở các vùng quê, nhất là các thị trấn, thị tứ vẫn không giảm giá, thậm chí có nơi còn tăng nhẹ. Tại chợ huyện Đông Sơn (Thanh Hóa), mỗi m2 đất có giá từ 8 - 10 triệu đồng, đắt hơn cả nhiều khu vực thuộc TP. Thanh Hóa. Tuy nhiên, khoảng cách từ chợ huyện Đông Sơn đến TP. Thanh Hóa cũng chỉ chưa đầy 3 km.
Tại thị trấn Thọ Xuân, nơi cách Sân bay Sao Vàng chưa đầy chục km, giá nhà, đất khu vực này cũng đang sôi sùng sục. Chị Phương, giáo viên trường THPT Thọ Xuân cho biết, từ hôm Sân bay Sao Vàng được đưa vào sử dụng (từ đầu năm 2013), đất ở khu vực này lên giá liên tục.
“Không hiểu ở cái thị trấn cách sân bay đến gần chục km thì cũng mua nhà chỉ để ở, chứ làm gì có thể kinh doanh liên quan với sân bay được mà vẫn cứ tăng vèo vèo”, chị Phương nói và cho biết, chắc do tâm lý và do dân đầu cơ ở chỗ khác đến nên mới khiến cho giá nhà, đất ở cái thị trấn thôn quê này tăng mạnh như thế.
Theo Trung Kiên (ĐTCK)
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]