Diện mạo các phân khúc trong năm 2017
Năm 2016, cán cân thị trường BĐS lệch hẳn về phía phân khúc cao cấp và nghỉ dưỡng. Thực tế này khiến giới chuyên gia lo ngại về nguy cơ tiềm ẩn bong bóng BĐS do lệch pha cung cầu. Tuy nhiên, những diễn biến thị trường cuối năm 2016 đang ngấm ngầm dự báo một “trật tự mới” trong năm 2017.
Năm 2017, thị trường nhà ở sẽ có sự chuyển hướng mạnh sang phân khúc nhà giá rẻ, giá tầm trung, hướng tới nhu cầu của đa số người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp trong xã hội. Theo Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản, nhu cầu mua nhà giá trung bình, diện tích trung bình và nhỏ chiếm đến 70% nhu cầu thị trường.
Thị trường nhà ở sẽ có sự chuyển hướng mạnh sang phân khúc nhà giá rẻ, giá tầm trung trong năm 2017
Điều này hoàn toàn có cơ sở khi cuối năm 2016, hàng loạt các đại gia BĐS đổ bộ vào phân khúc nhà giá rẻ. Tại Tp.HCM, sự chuyển hướng quy tụ nhiều “ông lớn” như Him Lam, Hưng Thịnh, Kiến Á, Gia Hòa, C.T Group… Các đại gia Hà Nội cũng không hề kém cạnh. Trong tháng cuối cùng của năm 2016, Vingroup tuyên bố sẽ xây dựng từ 200.000 - 300.000 căn hộ VinCity có mức giá bình quân chỉ từ 700 triệu đồng. Sau Vingroup, “bom tấn” nhà giá rẻ tiếp tục “dội” xuống thị trường Hà Nội khi tập đoàn Mường Thanh công bố xây 3.000 căn có mức giá bình quân từ 500-600 triệu đồng tại khu đô thị Thanh Hà (Hà Đông, Hà Nội).
“Miếng bánh” nhà giá rẻ tiếp tục được cái đại gia ngoại như Global, NHO, Hankyu Rea… chia thị phần. Theo ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM, sự chuyển hướng mạnh mẽ này là tiền đề để đến năm 2020, thị trường sẽ có sự điều chỉnh lớn nhằm giải quyết lệch pha cung - cầu hiện đang lệch về phía phân khúc BĐS cao cấp.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia cũng dự đoán BĐS du lịch – nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2017. Trong “Báo cáo về tương lai BĐS hướng biển Việt Nam” của Vietnam Capital Partners, xu hướng đầu tư BĐS của người Việt diễn tiến theo mô hình “Mua căn nhà đầu tiên để ở (2005), mua BĐS để cho thuê lại (2015) và mua căn hộ nghỉ dưỡng để nghỉ ngơi (2020 -2025)”. Mô hình này cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của BĐS du lịch – nghỉ dưỡng trong tương lai.
Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư và phân phối DTJ, với lợi nhuận kinh doanh từ 8%-10% mỗi năm, thị trường BĐS nghỉ dưỡng năm 2017 sẽ là phân khúc hút nguồn vốn đầu tư lớn và tiếp tục là cuộc đua giữa các đại gia: Vingroup, SunGroup, Novaland, Eurowindow Holdings, FLC, BIM Group, Indochina Land, Vinacapital… Mô hình Condotel (căn hộ nghỉ dưỡng) sẽ là dòng sản phẩm có nguồn cung dồi dào và thanh khoản cao trong năm 2017 do mức giá cạnh tranh. Loại hình này cũng phù hợp để đầu tư khai thác du lịch.
“Làm mưa làm gió” trong năm 2016, sang năm 2017, phân khúc BĐS cao cấp được nhận định là sẽ tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, do tác động từ chính sách nhà nước và quá trình cơ cấu lại sản phẩm của thị trường nên chỉ những dự án có tài chính mạnh, sản phẩm mới có thể tiêu thụ thuận lợi. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam chia sẻ tại hội thảo: “Triển vọng thị trường BĐS 2017 - Tác động chính sách”: "Phân khúc nhà ở cao cấp sẽ tiếp tục phát triển song sẽ có sự phân hóa loại cao cấp hẳn và cao cấp thực với loại sản phẩm khác đang gọi là cao cấp”.
Ngoài ra, phân khúc đất nền được dự báo sẽ tiếp tục “nóng” trong năm 2017. Tại Tp.HCM, theo Horea, quy mô thị trường bất động sản Tp.HCM đã vượt ra khỏi ranh giới hành chính trong "Vùng đô thị Tp.HCM", nhất là tại các huyện giáp ranh thành phố. Theo khảo sát của PV Batdongsan.com.vn, một số quận huyện trọng điểm về đất nền ở Tp.HCM như Thủ Đức, quận 9, Nhà Bè… giá đất tăng mạnh từ 20 – 50% và ngày càng khan hiếm. Vì thế, đất nền các huyện giáp ranh Tp.HCM thuộc các tỉnh Long An, Đồng Nai… đang và sẽ thu hút mạnh nguồn vốn của giới đầu tư trong năm 2017.
Tại Hà Nội, ông Đỗ Quý Dương, đại diện Công ty BĐS Hải Phát cho biết nguồn cầu đất nền sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2017 do tâm lý chuộng đất thổ cư của người Việt và xu hướng chuyển từ nhà thổ cư nội đô sang đô thị ven đô. Tuy nhiên, quỹ đất nền ngày càng khan hiếm trong khi nguồn cầu tăng khiến giá đất nền Hà Nội sẽ tăng mạnh trong năm 2017. Theo ông Dương, từ 2011 đến nay, nhiều dự án đất nền Hà Nội sở hữu những điểm cộng như có pháp lý đầy đủ, cảnh quan và dịch vụ được đầu tư tốt. Những dự án đất nền gần trung tâm hành chính, có hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, khối dịch vụ đi kèm phong phú, đáp ứng đủ tiêu chuẩn sống xanh đều nằm trong tầm ngắm của người có nhu cầu thực và giới đầu tư.
Nhận định về TTBĐS 2017 tại hội thảo “Thị trường bất động sản 2016 – 2017: Toàn cảnh và dự báo”, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng TTBĐS 2017 sẽ “nóng” hơn năm 2016. Tuy nhiên, hiện tượng “sốt cao” ở một phân khúc cụ thể hay của toàn thị trường vẫn chưa thể diễn ra trong năm tới. Theo giáo sư, để khắc phụ các rủi ro trong đầu tư phát triển và thực hiện các dự báo về phát triển thị trường thì điều kiện tiên quyết là đảm bảo thực hiện công khai, minh bạch thông tin về TTBĐS như Chính phủ đã quy định.
Thách thức về nguồn vốn
Nguồn vốn tài chính – tín dụng có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển bền vững của thị trường BĐS Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn vốn cho BĐS chưa được đa dạng hóa. 70% vốn đầu tư kinh doanh BĐS là vốn vay ngân hàng. Nguồn vốn này có khả năng bị thu hẹp khi Thông tư 06 (sửa đổi từ Thông tư 36) của chính phủ có hiệu lực từ 1/1/2017. Thông tư này được ban hành nhằm kiểm soát tín dụng BĐS. Theo quy định tại Thông tư 06, hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản tăng từ 150% lên 200%, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn giảm xuống 50%. Điều này có nghĩa các doanh nghiệp BĐS sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Tuy nguồn vốn huy động từ các định chế tài chính gặp khó khăn nhưng theo các chuyên gia vốn ngoại sẽ gia tăng. Cơ sở cho điều này là năm 2017, Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi mới được ban hành với những hướng mở cho khối ngoại. Nhiều khả năng thị trường sẽ đón nhận làn sóng đầu tư mạnh từ quốc tế và Việt kiều.
Nguồn vốn tài chính – tín dụng có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển bền vững của thị trường BĐS Việt Nam
Theo Jones Lang LaSalle Việt Nam, trong năm 2016, đầu tư của khối ngoại vào BĐS Việt Nam tăng 12% so với 2015. Đơn vị này dự báo trong năm 2017, BĐS Việt Nam vẫn nằm trong điểm ngắm của các nhà đầu tư nước ngoài, tiếp tục là thị trường khối ngoại muốn rót vốn.
Ngoài ra, Horea dự báo, dòng vốn đầu tư từ nước ngoài và nguồn kiều hối vẫn là nguồn lực quan trọng đầu tư vào thị trường bất động sản trong 5 năm tới đây. Cũng theo Horea, lượng kiều hối hàng năm rất lớn, khoảng 10-13 tỷ USD/năm. Riêng Tp.HCM, lượng kiều hối năm 2016 có khả năng đạt 5,7 tỷ USD, trong đó có khoảng 21% đầu tư vào thị trường BĐS.
Nhận xét về tổng quan nguồn vốn cho thị trường BĐS, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT BIDV nhận định: “Nguồn vốn đối với thị trường BĐS Việt Nam còn nhiều hạn chế. Sự hạn chế thể hiện ở các khía cạnh: hệ thống các định chế tài chính chưa đa dạng, chưa có các loại định chế tài chính khác như quỹ tín thác đầu tư - REIT, cơ quan cho vay thế chấp nhà ở. Ngoài ra, thị trường BĐS Việt Nam phải đối mặt với nhiều rủi ro từ đòn bẩy tài chính do phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay ngân hàng trong khi thị trường trái phiếu và cổ phiếu chưa phát triển. Bên cạnh đó, thị trường vốn Việt Nam chưa có thị trường tài chính thứ cấp (mua – bán nợ BĐS, chứng khoán hóa BĐS, mua bán chứng chỉ đầu tư BĐS…). Muốn thị trường BĐS phát triển bền vững phải giải quyết những hạn chế trên của thị trường vốn”.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]