Đó là những chia sẻ thẳng thắn của các chuyên gia về tiềm năng và thách thức của thị trường BĐS du lịch/ nghỉ dưỡng trong buổi hội thảo thường niên “Thị trường Bất động sản Việt Nam 2016 – 2017: Toàn cảnh và Dự báo” do Batdongsan.com.vn tổ chức. Bàn về sức hấp dẫn của phân khúc BĐS du lịch/ nghỉ dưỡng, GS. TSKH Đặng Hùng Võ nhìn nhận, sự phát triển của thị trường BĐS nghỉ dưỡng vốn gắn liền với phát triển du lịch của Việt Nam. Trong những năm gần đây, ngành du lịch của nước ta đang phát triển với tộc độ nhanh cả về lượng và chất. Tiềm năng du lịch của Việt Nam là rất lớn với nhiều di sản thiên nhiên và văn hóa có tiếng. Tình hình kinh tế, chính trị ổn định kết hợp với chính sách đơn giản hóa quy trình thủ tục cấp thị thực giúp du lịch Việt Nam ghi điểm trong mắt khách quốc tế. Bên cạnh các thị trường truyền thống như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, nhiều chủ đầu tư đã chuyển hướng đi khai phá các thị trường mới như Cam Ranh, Hạ Long, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Bình Định, Lào Cai, v.v. Sự gia tăng tầng lớp trung lưu với thu nhập bình quân ngày càng cao giúp củng cố thêm nguồn cầu nội địa cho thị trường này.
Bất động sản du lịch/ nghỉ dưỡng nhờ vào yếu tố đầu tư an toàn và lợi nhuận cao sẽ tiếp tục là điểm sáng của thị trường trong năm 2017
Bên cạnh tiềm năng du lịch thì một yếu tố nữa giúp BĐS du lịch/ nghỉ dưỡng của Việt Nam thăng hoa là phương thức đầu tư phù hợp và khả năng sinh lợi đảm bảo. Bất động sản du lịch/ nghỉ dưỡng tại nước ta hiện phát triển dưới 2 dạng: truyền thống (khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi do một hoặc một nhóm chủ đầu tư thực hiện) và phi truyền thống (chủ đầu tư bán các đơn vị BĐS cho các chủ sử dụng khác để sử dụng hoặc cùng khai thác). Trong đó, hình thức đầu tư phi truyền thống vẫn là loại hình được ưa chuộng, thu hút sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nhỏ, lẻ. Hình thức kinh doanh này giúp bảo đảm lợi nhuận khai thác từ 8% tới 10% một năm cho một sản phẩm nghỉ dưỡng, khả năng thu hồi lại vốn nhanh và ít rủi ro. Phương thức này mang lại hiệu suất và hiệu quả đầu tư cao và ổn định. Tiền trong dân, kiều hối trong năm 2017 tới đây sẽ được lưu chuyển khá mạnh để đầu tư vào phân khúc này.
Tuy lạc quan với tiềm năng phát triển của phân khúc BĐS nghỉ dưỡng nhưng các chuyên gia cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, mối liên kết chặt chẽ và cộng sinh giữa BĐS nghỉ dưỡng và ngành du lịch vừa là lợi thế cũng là con dao hai lưỡi đối với thị trường này. Đầu ra và cam kết lợi nhuận của BĐS nghỉ dưỡng phụ thuộc nhiều vào sự tăng – giảm nguồn khách du lịch. Với tốc độ phát triển ngày cành mạnh của BĐS nghỉ dưỡng, thị trường du lịch buộc phải có sự mở rộng theo mới có thể duy trì được cục diện phát triển ổn định. Một khi ngành du lịch giảm thiểu hoạt động, tất yếu sẽ kéo theo khả năng tiêu thụ của phân khúc nghỉ dưỡng suy giảm. Chính vì vậy, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, dù lạc quan với tương lai nhưng nhà đầu tư cũng cần thận trọng và có những bước tính toán lâu dài nếu muốn tham gia vào thị trường này trong những năm tiếp theo.
Về vấn đề này, theo quan điểm của GS Đặng Hùng Võ thì nguồn cung gia tăng mạnh không phải là yếu tố đáng lo ngại của phân khúc BĐS nghỉ dưỡng. Hiện tại, nhà nước đang có những chính sách lớn về phát triển du lịch, bản thân ngành này cũng những thay đổi lớn trong dịch vụ, văn hóa nhằm phù hợp với thời đại hội nhập. Một khi du lịch Việt Nam mở cửa toàn diện, cầu về du lịch có thể tăng cao hơn nữa và cung khi đó vẫn bị thiếu. Tuy nhiên, GS Võ cũng đưa ra 3 yếu tố hạn chế cần cải thiện của thị trường này.
Hạn chế đầu tiên mà nhà đầu tư cần để tâm chính là thời hạn sử dụng đất của một dự án nghỉ dưỡng. Hầu hết các dự án BĐS du lịch, nghỉ dưỡng hiện nay đều phát triển theo phương thức đầu tư truyền thống với thời hạn sự dụng đất tối đa là 50 năm. Rất ít có dự án áp dụng hình thức sở hữu vĩnh viễn. Nếu nhà đầu tư muốn chuyển sang đất ở với thời hạn lâu dài thì các quy định hiện hành vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể và rất khó khăn trong việc chuyển đổi. “Khi muốn đầu tư vào một dự án nghỉ dưỡng, nhà đầu tư cần xem xét rõ loại hình sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất cụ thể để đưa ra quyết định phù hợp. Trong thời gian tới, những dự án có thời gian sở hữu lâu dài sẽ được giới đầu tư ưa chuộng hơn.”, GS Võ khuyến cáo.
Tiếp theo là các cam kết của nhà đầu tư với người mua gắn với cách thức hợp tác khai thác BĐS và lợi ích từ khai thác giữa hai bên. Trước hết, cam kết này cũng là một hình thức mua bán BĐS hình thành trong tương lai, luôn gắn với các rủi ro vốn có khi BĐS chưa hoàn thành. Tiếp đến là những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình khai thác và thu lợi. Do đó, người mua cần thận trong trong soản thảo các hợp đồng giao dịch, chặt chẽ hơn về các điều khoản pháp lý và thận trọng trong việc lựa chọn các nhà phát triển dự án.
Cuối cùng là việc lựa chọn thị trường để đầu tư. Nguồn cung BĐS nghỉ dưỡng đang gia tăng theo từng năm và có sự phân bố chưa đều. Nếu đầu tư vào khu vực thừa nguồn cung, hiệu suất kinh doanh trong tương lai sẽ thấp. Khi đó, các cam kết lợi nhuận mà chủ đầu tư đưa ra khó có thể thực hiện. Vì vậy, theo GS Võ, các cá nhân đầu tư cũng cần phân tích cụ thể về cung - cầu du lịch tại địa bàn, nâng cao tính chuyên nghiệp trong lựa chọn địa điểm đầu tư, dự án đầu tư và chủ đầu tư dự án sao cho phù hợp nhất với mình.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]