Bùng nổ dự án nghỉ dưỡng ven đô...
Trước năm 2011, khu vực vùng ven Hà Nội như Thạch Thất, Ba Vì (Hà Nội), Lương Sơn (Hòa Bình) từng bùng nổ dự án bất động sản (BĐS) sinh thái nghỉ dưỡng.
Khi đó, cùng với sự bùng nổ của thị trường căn hộ và đất nền dự án, những dự án nghỉ dưỡng vùng ven Hà Nội cũng “trăm hoa đua nở”. Sự phát triển quá nóng của thị trường BĐS khiến nhiều nhà đầu tư không tiếc tiền đổ vào các dự án nghỉ dưỡng, sinh thái ven đô, khiến phân khúc này cũng trải qua thời kỳ sốt nóng.
Trước năm 2010, thị trường BĐS đã xuất hiện những đơn vị chuyên phát triển BĐS nghỉ dưỡng. Các chủ đầu tư có tên tuổi từng nổi như cồn với những dự án BĐS nghỉ dưỡng 4 - 5 sao trị giá từ vài chục triệu USD đến cả trăm triệu USD như Tập đoàn INT, Tập đoàn Archi, Công ty CP Sỹ Ngàn…
Theo đó, Tập đoàn Archi từng làm chủ đầu tư của hàng loạt dự án nghỉ dưỡng như Tản Viên Villas & Resort, có quy mô 21 ha; dự án Zen Lâm Sơn Resort có quy mô 19,5 ha; dự án Nine Ivory Eco-resort & Country Club quy mô 12 ha; dự án Green Villa 4 quy mô 11 ha…
Tương tự, Tập đoàn INT Group cũng sở hữu hàng loạt dự án nghỉ dưỡng, đơn cử như dự án Melody Villas, quy mô 36,5 ha tại huyện Kỳ Sơn; dự án Top Hill Villas quy mô 12 ha tại huyện Lương Sơn. Công ty CP Sỹ Ngàn làm chủ đầu tư Dự án Ngọc Viên Islands có quy mô 30 ha, được phát triển theo tiêu chuẩn 5 sao…
Việc đầu tư manh mún, thiếu hạ tầng, dịch vụ khiến các dự án BĐS nghỉ dưỡng vùng ven Hà Nội không thu hút được khách. Ảnh: Dũng Minh
Bên cạnh các doanh nghiệp chuyên phát triển dự án BĐS sinh thái nghỉ dưỡng, rất nhiều đại gia địa ốc khi đó như Tập đoàn Geleximco, Sông Đà Sudico, Xuân Cầu, Nam Cường,... cũng có tham vọng đầu tư BĐS nghỉ dưỡng vùng ven, khiến thị trường BĐS nghỉ dưỡng Hà Nội thời kỳ này sôi động chưa từng thấy.
...rồi mất hút
Sức nóng của thị trường thời điểm trước năm 2010 đã thu hút nhiều nhà đầu tư Hà Nội rót tiền tỷ để sở hữu sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng ở vùng ven. Tuy nhiên, khi bong bóng BĐS xì hơi, khiến bất động sản nghỉ dưỡng, sinh thái vùng ven Hà Nội “chết yếu” và dần bị quên lãng.
Đến nay, hầu hết các dự án nghỉ dưỡng của Tập đoàn Archi đều chưa hoàn thành, mới được triển khai nửa vời rồi bị “trùm mền”. Những dự án của INT Group và Dự án Ngọc Viên Islands của Công ty Sỹ Ngàn cũng chung số phận.
Nhiều đại gia BĐS khác như Geleximco, Sông Đà Sudico, Nam Cường, cũng phải “tháo chạy”, kẻ phải trả dự án, người để dự án cho cỏ mọc. Ngay cả các trang web giới thiệu dự án nghỉ dưỡng đình đám một thời cũng đã đóng cửa. Thậm chí, trang web của INT Group, Archi cũng không còn hoạt động…
Một thời từng được kỳ vọng là bàn đạp để Xuân Cầu đàng hoàng bước chân vào thị trường BĐS, nhưng nay dự án Xanh Villas Resort cũng rất im hơi lặng tiếng.
Được biết, một số dự án của INT Group và Archi Land vẫn đang được các doanh nghiệp này khai thác dịch vụ, song do chưa được hoàn thiện, thiếu hạ tầng và dịch vụ giải trí, nên việc khai thác còn khá khó khăn.
Ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản cho rằng, nhu cầu BĐS nghỉ dưỡng vùng ven Hà Nội khá lớn, tuy nhiên các dự án nghỉ dưỡng này hiện nay được đầu tư manh mún, thiếu chuyên nghiệp, không đáp ứng về tiến độ và thiếu những cam kết mạnh về lợi nhuận như các dự án BĐS nghỉ dưỡng ven biển, khiến việc khai thác kém hiệu quả.
Ông Quang cho biết, BĐS nghỉ dưỡng vùng ven Hà Nội hiện nay cần có một cuộc “đại phẫu” và cần có bàn tay quy hoạch của Nhà nước. Một số dự án cần được chuyển nhượng cho doanh nghiệp có tiềm lực và chuyên nghiệp hơn hoặc được Nhà nước đầu tư lớn về hạ tầng.
Theo ông Quang, nếu không thể làm được các điều này, những dự án nghỉ dưỡng vùng ven Hà Nội sẽ tiếp tục “ngủ quên”.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]