Theo Bộ Tài Nguyên Môi trường, quy định mới cho phép Nhà nước thu hồi các dự án chậm tiến độ mà không phải bồi thường cho doanh nghiệp, sau khi đã gia hạn cho dự án. Thế nhưng, việc thu hồi dự án theo quy định mới trên thực tế không dễ, thậm chí còn khó khăn hơn trước.
Dự án 198B Tây Sơn đã xây dựng xong phần thô, vừa bị Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị thu hồi, chuyển chủ đầu tư
Trong vài năm trở lại đây, Hà Nội thường xuyên có những đợt rà soát các dự án bất động sản trên địa bàn thành phố để đôn đốc những dự án chậm tiến độ, không chịu triển khai, hoặc kiến nghị thu hồi đối với những dự án đã “đắp chiếu” nhiều năm và sử dụng đất sai mục đích.
Mặc dù vậy, việc tiến hành thu hồi các dự án chậm tiến độ không hề đơn giản. Nhiều dự án sử dụng đất sai mục đích, chậm tiến độ vẫn chưa bị xử lý, chưa nói tới chuyện thu hồi.
Đơn cử, tại lô đất CC3 A,B,C thuộc Khu đô thị Mỹ Đình 2 của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Dự án đã bị chính quyền TP. Hà Nội nhắc nhở, kiến nghị thu hồi vì sử dụng đất sai mục đích từ 2 - 3 năm nay. Trong năm 2014, UBND TP. Hà Nội từng ra “tối hậu thư” yêu cầu đơn vị thứ cấp sử dụng đất sai mục đích tại lô đất này phải tháo dỡ các phần công trình sai phép, hoàn trả mặt bằng. Tuy nhiên, việc tháo dỡ đến nay chưa được thực hiện, bởi một phần lớn lô đất vẫn được sử dụng làm nhà hàng, quán ăn.
Trong khi còn khá nhiều dự án chậm tiến độ, sử dụng đất sai mục đích bị kiến nghị thu hồi, nhưng vẫn chưa thực hiện được, mới đấy, Sở Xây dựng Hà Nội tiếp tục kiến nghị thu hồi, chuyển chủ đầu tư đối với hàng loạt dự án chậm tiến độ, dự án sử dụng đất sai mục đích khác.
Điều đáng chú ý ở đây là trong số những dự án bị kiến nghị thu hồi, có không ít dự án doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Một số dự án đang được chủ đầu tư triển khai dở dang thì bị dừng thi công, hay có dự án doanh nghiệp đã đầu tư hàng chục tỷ để hoàn thiện phần xây thô nên việc kiến nghị thu hồi là rất khó khăn. Đặc biệt là khi cơ quan Nhà nước không chấp nhận bồi thường chi phí đầu tư, tài sản trên đất cho doanh nghiệp theo quy định mới.
Cụ thể, mới đây, Hà Nội đã kiến nghị thu hồi, chuyển chủ đầu tư với hàng loạt dự án chủ đầu tư đang triển khai dở dang hoặc đã xong phần xây thô như: Dự án siêu thị, văn phòng tại 198B Tây Sơn; Dự án văn Phòng, nhà ở số 131 Thái Hà; Dự án Sky Garden Định Công…
Trả lời câu hỏi của ĐTCK về việc thu hồi các dự án chậm tiến độ, sử dụng đất sai mục đích, đại diện Tổng cục Đất đai (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) cho biết, theo Luật cũ, nếu dự án chậm đưa đất vào sử dụng 12 tháng, hoặc chậm 24 tháng không thực hiện dự án theo tiến độ được phê duyệt sẽ bị thu hồi. Khi thu hồi, Nhà nước phải tiến hành bồi thường cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo Luật đất đai 2013, các dự án chậm tiến độ sẽ được gia hạn thêm 24 tháng. Nếu trong 24 tháng này, doanh nghiệp không triển khai được dự án, cũng không tự thanh lý được tài sản, Nhà nước sẽ tiến hành thu hồi dự án mà không phải bồi thường thiệt hại hay bồi thường tài sản gắn liền với đất cho doanh nghiệp.
Trao đổi với ĐTCK, đại diện một doanh nghiệp bất động sản cho biết, việc thu hồi dự án theo quy định mới hiện nay không hề đơn giản, bởi có thêm khó khăn phát sinh.
Đại diện này cho biết, để tránh bị thu hồi dự án, doanh nghiệp có thể lách luật bằng cách tiếp tục xin gia hạn triển khai dự án. Chưa kể tới việc, trong thời gian gia hạn, chủ đầu tư có thể xin điều chỉnh quy hoạch dự án, sau đó lấy lý do này để xin gia hạn thêm thời gian triển khai. Việc thu hồi dự án sẽ đi vào vòng luẩn quẩn, đã khó lại càng gặp khó.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]