Nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn ồ ạt đầu tư dự án căn hộ mới tại TPHCM
Cuối năm vẫn khó khăn
Theo nhiều doanh nghiệp BĐS trên địa bàn TPHCM, hiện nay tình hình giao dịch căn hộ vẫn khá èo ọt. Có dự án quy mô 200 - 300 căn hộ nhưng số lượng khách hàng đặt mua rất ít. Đó là chưa kể nhiều dự án cho đến nay vẫn phải "đắp chiếu” giữa chừng do thiếu vốn.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhận định, dù có dấu hiệu hồi phục nhưng trong những tháng cuối năm nay thị trường BĐS TPHCM sẽ vẫn còn khó khăn do nhiều yếu tố. Gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng của Chính phủ mới chỉ giải ngân được khoảng 10% là rất chậm và không đạt được các kỳ vọng ban đầu. Đó là chưa kể các doanh nghiệp tư nhân rất khó tiếp cận được gói tín dụng ưu đãi này.
Theo thống kê của Sở Xây dựng TPHCM, có khoảng 3.200 căn hộ được bán ra trên thị trường, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trên toàn địa bàn thành phố vẫn còn tồn kho hơn 8.600 căn hộ. Vẫn theo Sở Xây dựng, hiện 1.100 căn hộ tồn kho thuộc các dự án đang hoàn thiện hoặc chuẩn bị được hoàn thành; số còn lại là các căn hộ có diện tích lớn thuộc các dự án căn hộ ngoại thành, hoặc có hệ thống cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, dẫn đến chưa thu hút người mua.
Ông Lê Chí Hiếu, Tổng giám đốc Công ty Phát triển nhà Thủ Đức phản ánh, hiện nay doanh nghiệp BĐS vẫn gặp khó khăn về các quy định kí quỹ, bảo lãnh, cũng như nhiều thủ tục hành chính rườm rà khiến quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư bị chậm lại.
Để giải quyết các khó khăn của thị trường BĐS trong những tháng cuối năm, ông Lê Hoàng Châu đề nghị, cần phải tăng thời hạn cho vay đối với người tiêu dùng lên 20 năm, trong đó ưu đãi trong 3 năm đầu không phải trả lãi vay và nợ gốc. Đại diện HoREA cũng mong muốn Ngân hàng Nhà nước tháo gỡ về mặt thủ tục bằng các văn bản hướng dẫn cũ thể để đảm bảo các khoản vay mua căn hộ được giải quyết thông thoáng, tránh các thủ tục phát sinh. Bên cạnh đó, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng và NHNN cho phép chủ đầu tư thứ cấp các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại nếu đủ điều kiện theo quy định thì được vay vốn từ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng.
Phải dự báo được rủi ro
Bà Đỗ Thị Loan, Phó Chủ tịch HoREA nhìn nhận, diễn biến thị trường BĐS trong 10 tháng đầu năm nay đang thiếu đi những cảnh báo cần thiết, thậm chí có nguy cơ quay lại thời kỳ ảm đạm của 7 - 8 năm về trước. Theo bà Loan, hiện tượng đầu tư mới vẫn tăng, trong khi diễn biến nguồn cầu của thị trường còn nhỏ, chưa rõ rệt, có thể dẫn đến sản phẩm làm ra không bán được, tồn kho tăng.
Bà Loan cũng dẫn ra các xu hướng tương tự trong lĩnh vực ngân hàng, thậm chí có hiện tượng các ngân hàng dễ dàng cho người mua nhà vay tiền, mà thiếu các dự báo. "Nếu ngân hàng sẵn sàng cho tất cả mọi người vay tiền mua nhà, thì cũng không có cơ sở để tin rằng ngân hàng có đủ lượng tiền để gánh hết lượng căn hộ được trao đổi mua bán qua thị trường trong thời gian tới”, bà Loan đặt giả thiết.
Theo nhiều doanh nghiệp BĐS, hiện nay nguồn cung căn hộ cũng đang có biểu hiện èo ọt. Thậm chí, có dự án quy mô chỉ 200 - 300 căn hộ nhưng số lượng khách hàng đặt mua còn rất thấp. Đó là chưa kể nhiều dự án cho đến nay vẫn phải "đắp chiếu” giữa chừng do thiếu vốn.
Theo bà Nguyễn Thị Anh Tuyết, một khách hàng tại dự án Petro Vietnam Landmark (P.An Phú, Q2, TPHCM), dự án này dù được đánh giá nằm trên khu "đất vàng” của khu đô thị mới Thủ Thiêm, mặt tiền hướng ra Đại lộ Đông Tây nhưng bị "treo” 4 năm chưa xong được phần thô, và muốn hoàn thành phải cần thêm trên 400 tỷ đồng.
Bà Tuyết cho biết, dự án căn hộ quy mô lớn này được khởi công từ năm 2009, gồm cao ốc văn phòng (25 tầng) và 4 khối chung cư (418 căn hộ), với tổng giá trị đầu tư hơn 1.110 tỷ đồng. PVC Land cam kết bàn giao cho khách hàng vào cuối năm 2011, với nhiều tô vẽ về những "căn hộ trong mơ”, thế nhưng, sau 3 năm chờ đợi đến nay hàng trăm khách hàng vẫn phải "ngậm trái đắng” về lời hứa hẹn có cánh.
Ngay cả đối với nhiều dự án đã hoàn thành cho đến nay, cũng đang trong tình trạng ế ẩm. Điển hình như dự án chung cư Lê Thành tại Q.6 đã bàn giao được nhiều năm, nhưng đến nay vẫn ế vì nhiều lý do, trong đó một thực tế phải thừa nhận là giữa cung và cầu của thị trường vẫn còn chênh lệch đáng kể.
Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Danh, Phó GĐ Sở Xây dựng TPHCM cũng nhìn nhận: Hiện nay thị trường đang thiếu các dự báo. Có người cho rằng thị trường đang ấm lên, người nói rằng nó đang ảm đảm. Vì vậy, ngay từ bây giờ cần có những nhận định, dự báo chính xác, điều đó sẽ giúp cho cả doanh nghiệp lẫn người mua nhà.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]