Phía Tây Tp.HCM bao gồm các quận Tân Phú, Gò Vấp, Tân Bình... Khảo sát của phóng viên tại khu vực đường Phạm Văn Chiêu, Nguyễn Oanh (Q. Gò Vấp), Âu Cơ (Q.Tân Phú) và một số tuyến đường lớn của Q.Tân Bình như Hoàng Hoa Thám, Phổ Quang... giá các nhà phố dự án tăng ở ngưỡng 50 – 100% so với cùng kỳ năm trước. Một vài nơi, giá BĐS đã tăng trên 100%. Tại tuyến đường Nguyễn Oanh, (Q.Gò Vấp), 5 tháng trở lại đây, giá bán dự án nhà liền kề tại các dự án như CityLand Center Hill, Vạn Xuân - An Lộc ... đã tăng lên gấp đôi.
Phân khúc nhà phố khu Tây nhộn nhịp giao dịch ở những sản phẩm có giá từ 1.5 – 3 tỷ đồng/căn. Ảnh: Phương Nga
Theo các doanh nghiệp bất động sản (DN BĐS), trước đây nhà đầu tư (NĐT) thường gom dự án căn hộ cao cấp nhưng sản phẩm tăng giá chậm khiến giới đầu tư chuyển hướng sang đất nền vì tính ổn định và biên độ lợi nhuận kéo dài. Đây cũng là một trong các yếu tố khiến giá nhà đất khu Tây bị đẩy lên cao thời gian qua.
Ông Nguyễn Văn Điềm, chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đô Thị Mới Thủ Thiêm cho biết: “Sức mua nhà phố khu vực phía Tây TP đang rất tốt. So với thời điểm đầu năm, giá nhà đất tại khu vực này đã tăng từ 50 – 100%. Nhu cầu mua để đầu tư chiếm khoảng 40%, còn lại là mua ở. Ông Điềm chỉ ra, một trong những nguyên nhân khiến nhà phố khu Tây tăng giá là do lợi thế về cư dân đông đúc, địa bàn tập trung nhiều doanh nhân, tiểu thương có thu nhập tốt. Tuy nhiên, theo ông Điềm, so với khu vực phía Đông Tp.HCM, nhu cầu mua BĐS để đầu tư tại khu Tây chỉ bằng 60 – 70% khu Đông. Nguyên nhân là do khu Tây chưa tạo được sức bật về hạ tầng nên vẫn hạn chế NĐT và các DN triển khai dự án tại đây. Khu Đông thành phố thanh khoản tăng mạnh là do kết nối hạ tầng giao thông tốt hơn khu Tây.
Được biết, tại khu Tây, những sản phẩm nhà liên kế có giá trên dưới 1 tỷ đồng đang khan hiếm, thậm chí không có sản phẩm để chào bán. Dòng sản phẩm 6 – 8 tỷ đồng giao dịch cũng khá tốt. Sức mua nhà phố dự án tăng cao thời gian qua tại khu Tây, theo ông Điềm đã dẫn đến hiện tượng một số DN, NĐT găm hàng chờ thời điểm bán giá chênh nhiều hơn.
Một số chủ đầu tư và NĐT thứ cấp lợi dụng lúc thị trường sôi động đã rục rịch tăng giá bán và găm hàng. Thực trạng này diễn ra mạnh mẽ tại những dự án đã bán gần hết sản phẩm. Theo các chuyên gia, hiện tượng đầu cơ bắt đầu xuất hiện tại những dự án mà sản phẩm có giá bán từ 2 – 4 tỷ đồng/căn, vị trí đẹp, diện tích vừa phải, tính thanh khoản cao. Ngoài NĐT lẻ găm hàng, nhiều DN BĐS hiện nay cũng đưa ra những thủ thuật bán hàng riêng, chào thị trường những căn khó bán trước, sau đó găm hàng và thông báo tăng giá.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM, hiện tượng đầu cơ chưa nở rộ ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, trước sức nóng của thị trường, đặc biệt ở một số phân khúc có thanh khoản tốt đã xuất hiện NĐT “để dành sản phẩm” nhằm tạo sự khan hiếm giả trên thị trường nhằm đẩy giá bán BĐS. “Hiện tượng này tăng vọt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi và niềm tin của người mua nhà vào thị trường BĐS”, ông Châu nhấn mạnh.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]