Andrew Haskins, Giám đốc Công ty Nghiên cứu và Dịch vụ tư vấn châu Á Colliers International cho rằng, các nhà đầu tư bất động sản (BĐS) Trung Quốc sẽ sớm rút tiền ra khỏi nước Mỹ và hướng sự chú ý vào các tài sản tại châu Á.
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Andrew cho biết, trước đây, khi đồng nhân dân tệ có những diễn biến tiêu cực, nhà đầu tư có xu hướng ưa chuộng các tài sản bằng đồng USD và vì vậy, nước Mỹ có sức hút lớn với dòng tiền đầu tư từ Trung Quốc. Nhưng hiện tại, khi mối lo ngại nhân dân tệ mất giá phai nhạt dần, nhà đầu tư sẽ đa dạng hóa các điểm đổ vốn, trong đó tập trung vào châu Á.
Sau khi giảm giá khoảng 13% so với USD trong 2 năm qua, đồng nhân dân tệ đã tăng trở lại gần 1% kể từ đầu năm 2017 tới nay. Hầu hết các đồng tiền tại châu Á khác cũng có diễn biến tương tự, dẫn đầu là đồng won Hàn Quốc, với mức tăng 4,3%.
Ngoài yếu tố xuất phát từ tiền tệ, sự lo lắng về những diễn biến chính trị tại Mỹ cũng là nguyên nhân làm chậm đi các khoản đầu tư vào Mỹ, nhất là khi bộ máy lãnh đạo mới đang có chủ trương bảo hộ nền kinh tế trong nước.
Theo số liệu từ Real Capital Analytics, các khoản đầu tư BĐS từ châu Á vào Hoa Kỳ đã đạt mức đỉnh 33 tỷ USD năm 2015, chiếm 51% các khoản đầu tư bên ngoài châu Á trong năm đó. Tuy nhiên, con số này đã giảm xuống còn 29,1 tỷ USD, tương đương 12% các khoản đầu tư ra bên ngoài trong năm 2016. Trong số đó, nguồn tiền từ Trung Quốc chiếm 43%.
Không phải ngẫu nhiên mà các tài sản của nước Mỹ lại tăng giá mạnh trong khoảng thời gian đồng nhân dân tệ giảm giá sâu so với đồng USD. Thực tế, từ lâu nước Mỹ đã trở thành điểm đến ưa thích đối với các nhà đầu tư Trung Quốc. Sự ưa chuộng này càng lớn hơn khi các tài sản bằng đồng bạc xanh được coi là nơi trú ngụ an toàn cho các nhà đầu tư sử dụng nhân dân tệ.
Theo JLL, các khoản đầu tư ra nước ngoài từ Trung Quốc vào lĩnh vực BĐS tư nhân, thương mại và công nghiệp đạt tổng 33 tỷ USD trong năm 2016, tức tăng 53% so với năm trước. Trong số đó, Hoa Kỳ là điểm thu hút dòng tiền nhất năm 2016, năm thứ hai liên tiếp, với 14,3 tỷ USD. Tiếp đó là đặc khu Hồng Kồng, Malaysia và Australia.
Trong khi đó, số liệu của JLL chỉ bao gồm các giao dịch được thực hiện bởi nhà đầu tư tổ chức, không theo dõi các giao dịch mua bán nhà đất của nhà đầu tư các nhân Trung Quốc, những người vốn đang là động lực tăng trưởng chính của các thị trường như London, New York, Sydney và Vancouver.
Hiệp hội Các nhà bán lẻ quốc gia cho biết, khách hàng Trung Quốc chiếm khoảng 27% các giao dịch mua bán nhà với khách hàng nước ngoài tại Mỹ kể từ tháng 4/2015 tới tháng 3/2016, với giá trị khoảng 27 tỷ USD.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi Hurun Report cho thấy, BĐS là lĩnh vực được ưa chuộng nhất đối với các khoản đầu tư ra nước ngoài từ Trung Quốc có giá trị hơn 1,5 triệu USD. Ngoài ra, trong nhóm nhà đầu tư này, 60% có kế hoạch đầu tư vào BĐS trong 3 năm tới, với con số khoảng 800.000 nhà đầu tư tiềm năng.
Hiện tại, khi nước Mỹ giảm dần sức hút, nhà đầu tư Trung Quốc quay trở lại khu vực châu Á, với tỷ lệ đổ vốn vào BĐS khu vực này không ngừng tăng trong 3 năm qua.
Mặc dù tỷ trọng nguồn vốn từ Trung Quốc đầu tư vào BĐS châu Á so với các quốc gia khác trong khu vực chỉ chiếm 17,4% trong năm 2016, song các nhà đầu tư đại lục là những người có tinh thần đầu tư cao và đang hướng trực tiếp tới châu Á hơn bất cứ thị trường nào ngoài khu vực.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]