FUCVREIT - quỹ đầu tư BĐS đầu tiên của Việt Nam có mức tăng giá khá ấn tượng khi trần 5 phiên liên tiếp trong tuần đầu tiên niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HOSE). Tuy nhiên, FUCVREIT vẫn chưa thực sự thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư khi mức thanh khoản lại khá èo uột, chưa đến 3.000 đơn vị/phiên.
FUCVREIT vẫn chưa thực sự thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư
Trong tuần đầu tiên, FUCVREIT có lượng giao dịch trung bình chỉ đạt trên 2.600 cổ phiếu/ngày, phiên nhiều nhất (ngày 27/02) cũng chỉ 8.330 đơn vị và thấp nhất (ngày 28/2) chỉ có 460 đơn vị.
Các thành viên thị trường lý giải, dù được các thành viên thành lập quỹ đặt kỳ vọng lớn, nhưng thực tế khá khó và mất thời gian dài nữa để quỹ này thu hút thêm nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư. Vấn đề cốt lõi là hiện nay, quy mô vốn của quỹ đầu tư BĐS tương đối bé, ban đầu chỉ 50 tỷ đồng. Mức vốn này quá khiêm tốn đối với một tổ chức.
Vì vậy, dù trong điều lệ quỹ quy định cơ cấu đầu tư phải tối thiểu 65% giá trị tài sản ròng phải được đầu tư vào BĐS ở Việt Nam với mục đích cho thuê hoặc khai thác để thu lợi tức ổn định, nhưng tại báo cáo danh mục đầu tư ngày 13/1/2017, quỹ này mới chỉ đang tiến hành đầu tư 33 tỷ đồng vào cổ phiếu BĐS, gồm 503.000 cổ phiếu NLG của Công ty CP Đầu tư Nam Long, 505.000 cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup, tương ứng với 65,27% tổng giá trị tài sản của quỹ.
Trong khi đó, giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ cũng không có sự thay đổi nhiều do VIC và NLG là hai cổ phiếu có mức giá ổn định và hầu như đi ngang kể từ đầu năm đến nay. Số tiền còn lại đang được đơn vị quản lý quỹ gửi có kỳ hạn tại Ngân hàng BIDV.
Các nhà đầu tư cũng đưa ra một lý do khác cho sự kém hấp dẫn của chứng chỉ quỹ FUCVREIT là mặc dù bản cáo bạch mà đơn vị quản lý quỹ đưa ra mục tiêu xem xét đầu tư vào các dự án mới tiềm năng của các tập đoàn BĐS uy tín như Vingroup, Novaland, cùng cơ hội đầu tư tại các trung tâm thương mại căn hộ đã hoạt động với nguồn thu ổn định và định giá hấp dẫn, nhưng có vẻ như do hạn chế về vốn, nên quỹ vẫn chưa đưa ra phương án cụ thể sẽ đầu tư vào phân khúc nào và dự án cụ thể nào.
Thị trường BĐS gần đây xuất hiện xu hướng đầu tư vào căn hộ để cho thuê lại với lợi nhuận 4%/năm, văn phòng 8 - 9%/năm, nhà phố hẻm 5 - 6%/năm, căn hộ chung cư từ 6 - 7%/năm, condotel 12 - 15%/năm, thậm chí 18%/năm.
Một số đơn vị nghiên cứu thị trường đã đưa ra mức tính toán cơ sở này. Tuy nhiên, không hẳn dự án nào cũng mang lại mức sinh lời như vậy. Chưa kể, nhiều chủ đầu tư đưa ra mức thuê lại khá hấp dẫn, nhưng chỉ được một thời gian ngắn hoặc sau khi trừ chi phí, thì phần nhà đầu tư nhận lại chẳng bao nhiêu.
Đây có thể là một trong những lý do khiến FUCVREIT chưa mạnh dạn triển khai theo cơ cấu danh mục đầu tư mà mình đã công bố. Theo hướng triển khai, quỹ sẽ tìm kiếm và lựa chọn các BĐS dựa trên phương pháp “Bottom-up Approach”, đi từ đánh giá chi tiết BĐS cụ thể dự kiến mua, phân khúc BĐS, khu vực địa lý …và đặt trong bối cảnh tổng thể nền kinh tế vĩ mô trước khi tiến hành đầu tư một BĐS.
Đại diện đơn vị quản lý quỹ cho biết, với chiến lược, mục tiêu đầu tư và các sản phẩm đầu tư dự kiến, thời gian tới, để đáp ứng nhu cầu đầu tư trong tương lai gần, quỹ sẽ tăng vốn. Tuy nhiên, quỹ vẫn chưa tiến hành công bố mức tăng vốn bao nhiêu.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]