Trong đó, chiếm 2/3 căn hộ bán được là căn hộ giá dưới 1 tỷ đồng.
Điều này cho thấy thực tế nhu cầu của người dân ở phân khúc giá rẻ và tiềm năng hị trường vẫn đang tập trung ở căn hộ giá thấp.
Dù Bộ Xây dựng có đánh giá, thị trường bất động sản (BĐS) đã ấm lên, hàng tồn kho giảm… nhưng với chủ đầu ư, chỉ có rất ít dự án giá rẻ may ra cứu vãn được.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành đánh giá: 6 tháng đầu năm, thị trường BĐS mới “ấm” một chút và chỉ ở một số phân khúc.
“Đừng tưởng mới “hồng” “khuôn mặt” mà đã nghĩ thị trường ấm lên hẳn, thoát khỏi khó khăn, còn rất nhiều khó khăn phía trước”, ông Đực nhận định.
Dẫn chứng rõ hơn, vị lãnh đạo này đưa ra con số dự án “đắp chiếu” ở thị trường TP. Hồ Chí Minh, có tới 900 có khi còn nhiều hơn vì có những dự án im lìm để đó nhưng cũng không báo cáo.
“Số lượng dự án sôi động trên thị trường chỉ không quá 30 dự án, tức là chỉ chiếm 4% còn 96% dự án đắp chiếu.
Trong số 30 dự án thì có 20 dự án có giá bán dưới 1 tỷ đồng mỗi căn hộ, còn 10 dự án có giá bán từ 1,5-2 tỷ đồng mỗi căn”, ông Đực cho hay.
Cùng với đó, ông Đực cho rằng, chính sách trong thời gian qua chưa có nhiều tác động hay giúp ích nhiều cho thị trường BĐS, ngoại trừ một số thay đổi tại Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014 sẽ giúp giảm bớt thời gian và giấy tờ trong thủ tục hành chính về đất đai.
Nhận định về thị trường 6 tháng cuối năm, ông Đực cho rằng: Khó khăn vẫn chồng chất khó khăn, những dự án có mức giá phù hợp thì vẫn cứ “sôi”, còn những dự án “đắp chiếu” nếu không có sự hỗ trợ về chính sách thì vẫn chưa có cải thiện.
Còn về giá nhà, thì khó có thể giảm thêm ở những dự án đang có mức giá trung bình ở mức 14-15 triệu đồng/m2, chỉ có những dự án chung cư cao cấp mới có thể có chuyện giảm giá.
Đồng quan điểm với những đánh giá trên, TS Phạm Sỹ Liêm. nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, thị trường BĐS có sôi động hơn nhưng chưa ổn định bởi nền kinh tế chung chưa hồi phục hẳn.
TS Phạm Sỹ Liêm đánh giá: Chính sách đưa ra thì nhiều nhưng thực hiện thì chưa được mấy, chưa có tác động nhiều như gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Lúc thị trường BĐS chạm đáy, Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng nhưng việc giải ngân còn chậm.
“Nhất là việc phân bổ nguồn tiền trong gói 30.000 tỷ đồng chưa hợp lý. Trong số 30.000 tỷ đồng sẽ có 10.000 tỉ đồng được dành phát triển nhà ở xã hội, còn lại 20.000 tỷ đồng hỗ trợ đối tượng thu nhập thấp, có khó khăn về nhà được vay với lãi suất ưu đãi. Nếu không có nhà thì người dân vay tiền thì mua nhà ở đâu? Theo tôi nên dành 2/3 số tiền của gói này để phát triển nhà thu nhập thấp”, ông Liêm nêu quan điểm.
Đóng góp thêm ý kiến của mình, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: Cần phát triển loại nhà ở phổ cập ở khắp các thành phố, đó là loại nhà chỉ có giá từ 600 triệu đến 1 tỷ đồng mỗi căn hộ sẽ đáp ứng và phù hợp với những đối tượng có thu nhập trung bình trong xã hội.
“Còn riêng với nhà ở xã hội thì chỉ nên xây dựng để cho người thu nhập thấp thuê với giá phù hợp giống như nhiều nước trên thế giới vẫn đang làm, chứ không nên xây nhà ở xã hội để bán”, ông Liêm nói.
Dưới góc độ chuyên tư vấn và nghiên cứu về thị trường BĐS, bà Ngô Hương Giang, Quản lý cấp cao bộ phận nghiên cứu và tư vấn của Savills cho rằng: Với sự đầu tư bài bản hơn của các chủ dự án, cùng với những hỗ trợ về vốn như nới lỏng cơ chế cho vay, tăng tỉ lệ cho vay với từng dự án, căn hộ… thì từ nay đến cuối năm thị trường sẽ có sự cải thiện. Nhưng, nếu nói thị trường hết trầm lắng thì rất khó.
Theo Cafef
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]