Đây là dự án luật đã được hoàn chỉnh qua tiếp thu ý kiến của Ủy ban Kinh tế và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các phiên họp gần đây.
Theo đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư kinh doanh bất động sản đối với khu vực nhạy cảm về quốc phòng, an ninh.
Còn Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng nên quy định là cấm hoạt động kinh doanh bất động sản ở đất quốc phòng an ninh.
Các góp ý này được thể hiện tại dự thảo luật theo hướng: tổ chức, cá nhân được kinh doanh bất động sản tại các khu vực ngoài phạm vi bảo vệ an ninh, quốc phòng. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố các khu vực không được phép kinh doanh bất động sản trên địa bàn theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Ở điều 5 về các loại bất động sản được đưa vào kinh doanh cũng đã quy định: trường hợp là nhà, công trình xây dựng thuộc sở hữu nhà nước, công trình an ninh, quốc phòng, công trình trọng điểm quốc gia thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép bán, cho thuê, cho thuê mua theo quy định của pháp luật về quản lý tài sản nhà nước.
Dự thảo luật trình Quốc hội cũng vẫn giữ quy định tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, phải có vốn pháp định do Chính phủ quy định nhưng không được thấp hơn 50 tỷ đồng.
Với các nội dung đáng chú ý khác liên quan đến phạm vi, điều kiện kinh doanh bất động sản cho các tổ chức cá nhân nước ngoài, dù còn các ý kiến băn khoăn song Chính phủ vẫn kiên trì quan điểm thông thoáng.
Mặt khác, phạm vi mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được kinh doanh bất động sản cũng khá rộng. Như đầu tư xây dựng nhà ở trên đất được Nhà nước giao để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê, cho thuê mua. Đầu tư xây dựng các loại nhà, công trình xây dựng trên đất được Nhà nước cho thuê để bán, cho thuê, cho thuê mua. Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất trong các dự án bất động sản của các chủ đầu tư để xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao dự án cho phép.
Cá nhân, tổ chức nước ngoài còn được mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng trên đất thuê để cho thuê, cho thuê mua. Thuê nhà, công trình xây dựng để cho thuê lại. Đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trên đất thuê để cho thuê đất đã có hạ tầng kỹ thuật và được thuê đất đã có hạ tầng kỹ thuật để cho thuê lại.
Chính phủ cũng kiên trì quy định cho phép các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản được cho thuê, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai thay vì chỉ được cho thuê, cho thuê mua bất động sản đã có sẵn như quy định hiện hành.
Đây cũng là quy định còn có nhiều quan điểm. Một số ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng không nên mở rộng, dễ gây nên hiện tượng kinh doanh ảo. Trong khi đó, một số thành viên Ủy ban Kinh tế đề nghị dự luật nên cho phép cả nhà kinh doanh, tức là cá nhân được cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình hình thành trong tương lai chứ không chỉ là doanh nghiệp.
Theo nghị trình, tại kỳ họp thứ 7 sẽ khai mạc vào ngày 20/5 tới đây, Quốc hội sẽ thảo luận dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 8 cuối năm nay.
Theo Cafef
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]