Theo đánh giá của Ban chỉ đạo, mặc dù lãi suất cho vay ưu đãi đã được điều chỉnh giảm từ 6%/năm xuống còn 5%/năm từ tháng 1/2014 nhưng mức này vẫn còn cao so với thu nhập của người dân, nhất là mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng đã được điều chỉnh giảm.
Hiện mức lãi suất này được nhận định chỉ phù hợp với những người có thu nhập trung bình và ổn định mới có khả năng tiếp cận. Tính đến hết ngày 15/4, tổng số tiền năm ngân hàng tham gia giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã cam kết với khách hàng là 3.365,9 tỷ đồng; trong đó, đã giải ngân được 1.699,4 tỷ đồng.
Đối với hộ gia đình, cá nhân, các ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết cho vay 3.962 hộ với số tiền là 1.504 tỷ đồng. Số tiền cho vay để mua nhà ở xã hội là 711 tỷ đồng (chiếm 47,3%) và dành cho 2.297 hộ.
Hồ sơ mua nhà ở thương mại được duyệt cho vay là 1.665 hộ với số tiền 793 tỷ đồng (chiếm 52,7%). Các ngân hàng cho biết hiện đã giải ngân được cho 3.941 hộ đạt 99,5% hồ sơ cam kết với số tiền là 975,7 tỷ đồng. Trong số này có 2.288 hộ là vay mua nhà ở xã hội đã được giải ngân với dư nợ 515,6 tỷ đồng; mua nhà ở thương mại 1.653 hộ, với dư nợ là 460 tỷ đồng.
Hiện địa bàn Hà Nội đang dẫn đầu về việc thực hiện cho vay theo gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Cụ thể là có 2.144 hộ (chiếm 54% so với cả nước) được cam kết cho vay với số tiền là 829 tỷ đồng (chiếm 55% so với cả nước). Trong đó, thành phố đã giải ngân cho 2.139 hộ với số tiền là 496,6 tỷ.
Cũng là địa bàn trọng điểm nhưng kết quả tại Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạt 434 hộ (chiếm 11% so với cả nước) được cam kết cho vay với số tiền là 242 tỷ đồng (chiếm 16% so với cả nước). Trong đó đã giải ngân cho 433 hộ với số tiền là 146 tỷ đồng.
Đối khách hàng là các tổ chức, nhóm năm ngân hàng cũng cam kết cho vay 21 dự án với số tiền là 1.862 tỷ đồng. Hà Nội có 4 dự án với số tiền 396 tỷ đồng, Thành phố Hồ Chí Minh là 2 dự án với số tiền là 658 tỷ đồng. Tuy nhiên, công tác giải ngân mới thực hiện được cho 17 dự án với dư nợ 723,8 tỷ đồng. Cả 6 dự án của Hà Nôi và Thành phố Hồ Chí Minh đều ở nhóm đã được giải ngân.
Trong số năm ngân hàng tham gia giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, BIDV vẫn dẫn đầu về kết quả giải ngân với dư nợ 773,7 tỷ đồng trên 1.729,4 tỷ đồng vốn cam kết. Tiếp đến là Vietinbank đạt dư nợ 475 tỷ đồng so cam kết là 886 tỷ đồng. Vietcombank có dư nợ 241 tỷ đồng, Agribank là 183 tỷ đồng và MBH nằm ở cuối danh sách với dư nợ chỉ đạt 26,5 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết đã thẩm tra sơ bộ và chuyển danh mục gồm 81 dự án sang Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại để xem xét, thẩm định cho vay. Tuy nhiên đến nay mới chỉ có 21 dự án được ký hợp đồng vay vốn, trong đó có 17 dự án đã được giải ngân.
Cùng với hàng loạt giải pháp nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân, hiện Bộ Xây dựng cũng đang chờ Chính phủ xem về xét đề xuất mở rộng đối tượng được vay vốn từ gói tín dụng này cũng như thêm ngân hàng tham gia giải ngân./.
Theo Vietnamplus
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]