Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Trần Nam tại buổi hội thảo “Kinh doanh bất động sản - Cơ hội và thách thức trong bối cảnh thị trường có dấu hiệu phục hồi” do Hiệp hội BĐS Việt Nam và trường Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp tổ chức sáng 27/11.
Cũng nói tới câu chuyện giá BĐS tại Việt Nam, có nhiều ý kiến cho rằng giá bất động sản ở Việt Nam quá cao, đa phần người dân không thể tiếp cận được với nhà ở, đặc biệt tại các đô thị lớn như ở Hà Nội và Tp.HCM.
Số liệu nghiên cứu của Công ty Nielson, có đến 80% hộ gia đình tại TP.HCM và 81% ở Hà Nội có thu nhập bình quân hàng tháng dưới 15 triệu đồng (khoảng 700 USD mỗi tháng). Còn theo nghiên cứu từ CBRE Việt Nam, giá nhà ở trung bình tại Hà Nội và TP.HCM lần lượt vào khoảng 2.500 USD/m2 và 1.500 USD/m2.
Theo tính toán của nhiều chuyên gia, mức giá nhà ở trung bình tại Hà Nội cao gấp 25 lần thu nhập và 15 lần tại Tp.HCM. Trong khi chi phí sở hữu nhà ở so với thu nhập bình quân đầu người ở Mỹ là 8 lần, ở một vài nước châu Âu là 9 lần, ở châu Á như Nhật (25 lần), Singapore (34 lần), Đài Loan (32 lần)…
Tuy nhiên, phát biểu tại hội thảo “Kinh doanh bất động sản - Cơ hội và thách thức trong bối cảnh thị trường có dấu hiệu phục hồi” do Hiệp hội BĐS Việt Nam và trường Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp tổ chức, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng “đừng kêu giá nhà cao mà chẳng qua là do lương người lao động quá thấp”.
Quan điểm của Thứ trưởng Nam về giá bất động sản hiện nay của Việt Nam là phù hợp với mặt bằng thế giới. “Mặt bằng giá BĐS hiện nay xuống mức phù hợp với sức mua của người dân và phù hợp với thị trường. Báo chí vẫn thường nêu giá nhà Việt Nam cao quá. Nhưng tôi tìm mãi không thấy thống kê nào cho thấy Việt Nam nằm trong TOP 20 nước có giá nhà cao nhất thế giới.”
Ngoài ra, so sánh với một số nước trong khu vực Thứ trưởng Nam cho rằng giá bất động sản Việt Nam thấp hơn nhiều so với Singapore, Malaysia.
Để chứng minh cho việc giá nhà ở đã phù hợp với sức mua của người dân. Thứ trưởng Bộ Xây dựng đưa ra những con số thống kê mới nhất về tình hình giao dịch trên thị trường. Qua đó cho thấy, số lượng giao dịch thành công tăng mạnh trong quý vừa qua.
Cụ thể, 11 tháng đầu năm 2014 tại Hà Nội là gần 10.000 giao dịch thành công. Gần 10.000 giao dịch này tương đương với mức tăng trưởng 200% so với 11 tháng đầu năm 2013, tăng 3.500 giao dịch so với tháng 7 vừa qua.
Còn tại Tp.HCM, 11 tháng đầu năm 2014 cũng có có khoảng 8.800 giao dịch thành công, tăng gần gấp rưỡi so với 2013, và cũng tăng tới trên 3000 giao dịch so với tháng 7 vừa rồi.
Tổng dư nợ bất động sản đã đạt mức 293.000 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kì (trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ tăng 6%). Đây mới chỉ tính dòng tiền từ ngân hàng chính thức vào bất động sản, chưa tính dòng tiền từ người dân.
Đây là con số đáng ghi nhận, thể hiện sự hồi phục của thị trường BĐS. Các doanh nghiệp cũng bắt đầu khởi động lại dự án, khởi động bán hàng, các lễ bàn giao nhà diễn ra liên tục.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]