Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự án Luật nhà ở.
Ảnh: VGP/Thành Chung
Tại Dự thảo do Bộ Xây dựng xây dựng chỉ quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư căn cứ vào cấp công trình xây dựng và kết quả kiểm định chất lượng nhà của cơ quan quản lý nhà.
Nếu kết quả kiểm định cho thấy nhà chung cư vẫn còn bảo đảm chất lượng và an toàn cho người sử dụng thì chủ sở hữu được tiếp tục sử dụng theo thời hạn ghi trong kết quả kiểm định.
Còn chung cư bị hỏng, xuống cấp, có nguy cơ sập đổ thì cơ quan quản lý phải công bố công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan mình và trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương. Chủ sở hữu nhà chung cư phải có trách nhiệm phá dỡ để xây dựng lại nhà chung cư mới hoặc phải bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền để phá dỡ và xây dựng các công trình khác…
Theo quy định của pháp luật, mỗi nhà chung cư có niên hạn sử dụng khác nhau, căn cứ vào cấp công trình của nhà chung cư đó (ví dụ: nhà chung cư cấp 3 có niên hạn sử dụng từ 20 – 30 năm, nhà chung cư cấp 2 có niên hạn sử dụng từ 50-100 năm…).
Tuy nhiên, theo tổng hợp của UBTVQH, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng cần quy định ngay trong dự thảo Luật thời hạn sử dụng loại nhà ở này.
Còn ý kiến của UBTVQH về vấn đề này thì đồng tình với quy định của Bộ Xây dựng là không ghi rõ vào luật thời hạn sử dụng nhà chung cư mà cách xử lý nhà chung cư xuống cấp, đảm bảo an toàn cho nhân dân căn cứ theo quy định của Bộ Xây dựng trong dự thảo Luật.
Dự thảo Luật chỉ cần quy định các nguyên tắc cơ bản để xác định thời hạn sử dụng nhà chung cư và giao Chính phủ tiếp tục quy định cụ thể về nội dung này để bảo đảm tính khả thi.
Chính sách nhà ở xã hội là một điểm sáng của Dự thảo Luật Nhà ở
Các đại biểu Quốc hội chuyên trách khi thảo luận về dự án Luật Nhà ở đều đánh giá cao chính sách về phát triển nhà ở xã hội.
“Nhà ở xã hội là điểm sáng của Luật này, tỉnh tôi làm ra (nhà ở xã hội) không đủ bán”, đại biểu Lê Nam, tỉnh Thanh Hoá đánh giá.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị dự án Luật cần làm rõ hơn vai trò của Nhà nước trong phát triển nhà ở xã hội.
Theo UBTVQH, Nhà nước có trách nhiệm chính trong phát triển nhà ở xã hội vì mục tiêu phát triển nhà ở xã hội là nhằm hỗ trợ cho các đối tượng có khó khăn mua, thuê, thuê mua nhà ở. Bên cạnh đó, việc phát triển loại hình nhà ở xã hội không thu được nhiều lợi nhuận do mức giá được xác định chặt chẽ, mức lợi nhuận được khống chế, thu hồi vốn chậm, cần các thành phần kinh tế tham gia đóng góp.
Vai trò của Nhà nước ở đây sẽ là tạo ra các cơ chế, chính sách, điều kiện hỗ trợ để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội nhằm đáp ứng mục tiêu bảo đảm quyền có chỗ ở của người dân đã được Hiến pháp quy định.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc Hội, ông Phan Trung Lý cho rằng: “Ngoài các quy định cụ thể về ưu đãi chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thì cần bổ sung các quy định về cơ chế ưu đãi, khuyến khích các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, cụ thể là được vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp hơn, giảm thuế nhiều hơn so với xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua; quy định rõ hơn về trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp trong việc xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động, trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong việc xây dựng nhà ở xã hội cho sinh viên thuê”.
Ngoài ra, dự án Luật cũng đáp ứng yêu cầu về nhà ở đối với hộ gia đình, cá nhân thực sự có khó khăn về nhà ở nhưng không đủ khả năng về tài chính để cải thiện nhà ở.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Du Lịch (Tp.HCM) lại đề nghị việc xây dựng nhà ở xã hội không nên phục vụ nhu cầu sở hữu của người dân mà chỉ tập trung vào nhu cầu chỗ ở. Ông Lịch nhận định: “Làm nhà xã hội không để bán mà chỉ nên cho thuê”.
Theo Batdongsan.com.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]