Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cập nhật tình hình 9 tháng đầu năm thì lĩnh vực BĐS phục hồi đáng kể.
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, trong 9 tháng qua, trên cả nước có hơn 68.340 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 420.932 tỉ đồng, như vậy tăng 28,5% về số doanh nghiệp và tăng 31,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2014. Số doanh nghiệp thành lập hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực BĐS cũng tăng vượt trội đến 78,7% so với cùng kỳ năm trước.
Ở một góc độ khác, số doanh nghiệp giải thể trong lĩnh vực BĐS cũng đã giảm mạnh. Cụ thể, cả nước có đến hơn 54 nghìn doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động trong 9 tháng qua, khá tương đồng với số liệu các năm trước, tuy nhiên riêng trong lĩnh vực địa ốc thì con số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động lại giảm mạnh. Được biết, số doanh nghiệp giải thể giảm đến 30% và doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động lại giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong khi đó, số doanh nghiệp BĐS mới thành lập tăng mạnh, còn số doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động lại có xu hướng đi xuống trong 9 tháng đầu năm. Điều này đã chứng tỏ lĩnh vực BĐS đang có chiều hướng hồi phục trở lại.
Các chuyên gia nhận định, nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp BĐS được ồ ạt thành lập trong thời gian qua là do thị trường BĐS đang hồi phục, các giao dịch mua bán tăng lên, người mua đã tích cực hơn khiến cho thị trường BĐS đã có sự sôi động trở lại. Đây chính là dấu hiệu tốt cho các doanh nghiệp BĐS mới gia nhập thị trường.
Việc các doanh nghiệp BĐS ồ ạt ra đời làm dấy lên mối lo ngại về năng lực của các doanh nghiệp này khi đầu tư các dự án BĐS
Mới đây, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam cho hay, trong 9 tháng đầu năm, cả nước có khoảng 30 nghìn lượt giao dịch BĐS được thực hiện. Đây là con số bằng giao dịch cả năm 2014. Ông Nam cho rằng, với tốc độ giao dịch như thời gian vừa rồi, cùng với việc thị trường BĐS sôi động nhất về cuối năm thì số lượt giao dịch BĐS năm 2015 sẽ có khả năng đạt mức gấp 2 lần so với năm ngoái.
Việc các doanh nghiệp BĐS ồ ạt ra đời, tuy nhiên mặt bằng chung và năng lực của các doanh nghiệp BĐS Việt Nam hiện khá khiêm tốn cũng làm dấy lên mối lo ngại về năng lực của các doanh nghiệp này khi đầu tư các dự án BĐS.
Về vấn đề này, ông Trần Ngọc Quang, Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam nhìn nhận, trong thời gian tới khi mà nhà nước kiểm soát chặt chẽ việc cho phép các doanh nghiệp thực sự đủ điều kiện làm các dự án đầu tư bằng chính nguồn vốn của mình, chắc chắn những doanh nghiệp không đủ điều kiện chỉ thực hiện những dự án rất nhỏ hoặc chỉ thực hiện những mảng như dịch vụ BĐS, còn lại những chủ đầu tư thực sự phải là những chủ đầu tư có số vốn lớn.
Ông Quang cũng nhấn mạnh, nhìn bên ngoài thì các ngân hàng rất rộng cửa mở rộng các thủ tục cho các doanh nghiệp vay để thực hiện dự án BĐS vay, tuy nhiên với những bài học của giai đoạn trước thì các ngân hàng chắc chắn có sự kiểm soát rất chặt chẽ đối với tất cả các nguồn vốn của mình khi đến với thị trường BĐS.
Theo cảnh báo của các chuyên gia, sự xuất hiện ồ ạt của các doanh nghiệp BĐS chắc chắn sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường. Đứng trước sức ép của các ông lớn đi trước chiếm ưu thế về mọi mặt như vốn, uy tín, kinh nghiệm, thương hiệu thì những doanh nghiệp non trẻ mới ra đời cần phải có chiến lược kinh doanh mới có thể tồn tại và phát triển.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]