Đến năm 2025 theo quy hoạch, để giãn dân nội đô, Tp.HCM sẽ hình thành 4 khu đô thị đại học. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, kế hoạch xây dựng và việc di dời tất cả những trường đại học hiện hữu trên địa bàn TP ra ngoại thành vẫn đang giậm chân tại chỗ.
Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, khu vực nội thành hiện hữu sẽ là đô thị trung tâm, những khu vệ tinh sẽ trở thành đô thị mới, gồm có: Khu đô thị cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), Khu đô thị Nam Sài Gòn (quận 7), Khu đô thị khoa học - công nghệ (Thủ Đức, quận 9), Khu đô thị mới huyện Bình Chánh, Khu đô thị đại học (Củ Chi, Hóc Môn)...
Những khu đô thị mới trên sẽ góp phần giảm áp lực cho khu vực nội thành, đồng thời giúp kéo giãn dân cư tại các quận trung tâm (quận 3, quận 1, quận 5) và phát triển kinh tế vùng.
4 hướng của TP hiện đã được quy hoạch đầu tư xây dựng thành những vùng đô thị đại học. Tại những nơi này sẽ hình thành nên các phòng thí nghiệm trọng điểm, trung tâm nghiên cứu lớn, các nhóm nghiên cứu mũi nhọn đạt đẳng cấp khu vực và cả quốc tế. Cùng với đó, không ít khu dân cư hiện đại nhằm phục vụ nhu cầu sống, làm việc và học tập khép kín cũng đang được đầu tư xây dựng ở khu vực lân cận.
Đến năm 2025, Tp.HCM sẽ có 4 khu đô thị đại học
Ở khu vực giáp với tỉnh Long An - phía Tây Nam của TP, từ lâu Tp.HCM đã cấp phép đầu tư xây dựng khu Đô thị Đại học Sài Gòn - Long An cho một vài tập đoàn trong và ngoài nước.
Thiết kế và quy hoạch của khu đại học này đều dựa theo tiêu chuẩn của Mỹ, với những giảng đường lớn với sức chứa 3.000 sinh viên; Khu thể thao với sức chứa 25.000 người đạt tiêu chuẩn thi đấu quốc tế; Nhà hát phục vụ cho nghệ thuật - giảng dạy văn học;…
Ước tính, tổng kinh phí ban đầu cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng lên tới hơn 468 tỷ đồng. Quy trình đầu tư sẽ được chia làm 3 giai đoạn và cơ sở vật chất kỹ thuật sẽ hoàn chỉnh trong vòng 10 năm.
Tuy nhiên, dự án này đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy. Một số nhà đầu tư địa ốc cho rằng, nguyên do là bởi các quy hoạch chi tiết vẫn chưa được TP phê duyệt, khiến những dự án này tới nay vẫn trong tình trạng “găm” đất và chủ yếu chờ thời điểm thích hợp để đầu tư.
Tại khu vực Tây Bắc của TP, Dự án Khu đô thị đại học tại Hóc Môn lớn nhất Việt Nam đang được xây dựng bởi Công ty Berjaya Leisure, Malaysia. Quy mô của dự án này lên đến khoảng 1.000 ha với số vốn đầu tư ban đầu là 3,5 tỷ USD.
Theo dự tính, trong quy hoạch sẽ có khoảng 10 trường cao đẳng và đại học sẽ được di dời cũng như xây mới tại đây. Có thể kể đến một vài trường như: Đại học Y – Dược với quy mô 100ha; Cao đẳng Sư Phạm với quy mô 60ha; Đại học Mở với quy mô 20ha; Đại học Quốc tế với quy mô 1.000ha; Cao Đẳng Văn hóa – nghệ thuật với quy mô 10ha; Đại học Công nghiệp với quy mô 50ha; Học viện Văn hóa – nghệ thuật với quy mô 10ha;...
Mặc dù vậy, những trường này hiện vẫn trong giai đoạn thực hiện quy hoạch 1/200, chưa định hình rõ nét cũng như đang tìm kiếm nguồn vốn đầu tư, nên cũng chưa biết đến khi nào mới di dời được để phù hợp với quy hoạch.
Trong khi đó vào năm 2009, Khu đô thị Đại học Hóc Môn đã được khởi công xây dựng và hoàn thành theo nhiều giai đoạn từ 2011-2021. Song, đến nay dù đã qua 10 năm quy hoạch, người dân vẫn chưa được chủ đầu tư triển khai bồi thường. Trong khi đó, chủ đầu tư chỉ thoả thuận bồi thường trực tiếp với một số khu đất thuộc quản lý của các đơn vị nhà nước. Phương án tái định cư, bồi thường cho cư dân thuộc địa bàn xã hiện vẫn chưa được thông qua và triển khai.
Khu vực phía Đông Bắc Tp.HCM, nơi giáp ranh với tỉnh Bình Dương, khu đô thị Đại học quốc gia hiện đang được đầu tư rất mạnh mẽ với khuôn viên rộng lớn trải dài tới hàng ngàn ha đất và đầy đủ mọi loại hình đào tạo theo chuẩn quốc tế. Đây cũng sẽ là nơi tâp trung nhiều trường đại học, cao đẳng từ nội đô di dời đến.
Ở khu này đang có 8 trường đại học trực thuộc Đại học quốc gia Tp.HCM cùng một vài trường đại học quốc tế khác. Trong khi đó, diện tích đất cho những trường đại học khác di dời về đã được chuẩn bị sẵn nhưng hiện vẫn bị bỏ hoang và cơ sở hạ tầng cũng chưa được triển khai đầu tư xây dựng. Cùng với đó, một vài dự án khu dân cư cho các giảng viên, chuyên gia cũng chưa được triển khai xây dựng theo kế hoạch đặt ra.
Cuối cùng, tại khu vực phía Nam Tp.HCM và cũng là nơi có khu đô thị Phú Mỹ Hưng, hơn 10 trường đại học sẽ được di dời về đây để tạo nên một khu đô thị đại học với tầm vóc quốc tế. Hiện, những trường như Đại học Quốc tế RMIT, Đại học Văn Hiến,Tôn Đức Thắng, Công an,…đã được phê duyệt cấp đất xây dựng cơ sở mới bởi Tp.HCM để chuẩn bị cho công tác di dời.
Song, đến thời điểm này, đại học Tôn Đức Thắng là trường duy nhất trong số đó đã được đầu tư xây dựng hiện đại, trong khi khu đất của Đại học Văn Hiến và Đại học An Ninh vẫn đang được sử dụng làm địa điểm trồng cây xanh.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]