Quy định trước khi mở bán dự án hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải được ngân hàng bảo lãnh đã có hiệu lực gần 2 tháng nay. Song, tại Hà Nội vào thời điểm này, vẫn chưa có bất kỳ một sự án nào nhận được sự bảo lãnh chính thức từ phía ngân hàng thương mại.
Có nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân là bởi Thông tư 07 hướng dẫn bảo lãnh của Ngân hàng Nhà nước và Luật kinh doanh BĐS đang có sự vênh nhau.
Theo đó, trong khi Thông tư quy định chỉ khi đã ký hợp đồng mua bán nhà, ngân hàng mới được bảo lãnh; Luật lại quy định rằng phải bảo lãnh trước khi hợp đồng mua bán nhà được ký.
Sàn giao dịch Hoàng Vương đã đón nhiều lượt khách tới hỏi mua nhà kể từ đầu tháng 7 cho đến nay. Tuy nhiên, khi biết những dự án vẫn chưa được ngân hàng bảo lãnh, họ vẫn chần chừ chưa muốn xuống tiền ngay. Đại diện sàn giao dịch này cũng cho biết, phía ngân hàng yêu cầu rằng người mua phải ký hợp đồng mua bán thì mới bảo lãnh cho dự án.
Giám đốc Sàn giao dịch BĐS Hoàng Vương, ông Tạ Phúc Hải cho rằng: “Khi chủ đầu tư chưa có sự bảo lãnh thì khách hàng lăn tăn. Doanh nghiệp muốn kinh doanh một cách chính thống thì phải dừng việc bán hàng lại để chờ hướng dẫn”.
Mối quan hệ tương tác giữa ngân hàng, chủ đầu tư và người mua nhà trong việc bảo lãnh dự án hình thành trong tương lai
Trong 1 tháng qua, phía đại diện Công ty Cổ phần Vimeco cũng cho biết, họ phải "bở hơi tai" để làm việc với ngân hàng về vấn đề bảo lãnh. Mặc dù vậy, ngân hàng vẫn lắc đầu từ chối ký hợp đồng bảo lãnh cho dự án, thay vào đó chỉ đưa ra thư cam kết nếu có căn hộ được bán.
Phó Trưởng phòng Đầu tư, Công ty Cổ phần Vimeco, ông Nguyễn Văn Thương cho hay: “Việc ký hợp đồng bảo lãnh chúng tôi vẫn chưa thực hiện được. Ngân hàng không làm việc đó được vì họ yêu cầu phải có hợp đồng mua bán mới bảo lãnh”.
Giám đốc Điều hành Công ty Luật Basico, Luật sư Trần Minh Hải nhìn nhận, việc bảo lãnh có đặc điểm cơ bản đó là luôn phải có sự tham gia của 3 chủ thể: chủ đầu tư - ngân hàng - người mua nhà.
Song, Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi lại quy định rằng việc bảo lãnh cho dự án nhà ở hình thành trong tương lai nhất định phải hoàn thiện trước khi mở bán dự án, có nghĩa là từ thời điểm chưa có người mua. Mặt khác, phía ngân hàng thương mại lại không thể đi ngược lại với nghiệp vụ bảo lãnh.
Theo sự so sánh của các chuyên gia, chuyện bán hàng rồi mới có bảo lãnh hay bảo lãnh xong mới được bán hàng cũng tương tự như chuyện con gà có trước hay trứng có trước.
Thắc mắc trên vẫn được bỏ lưng trong gần 2 tháng qua, nguyên do cũng là vì chưa có những hướng dẫn cụ thể để Luật được thi hành. Trong khi đó, doanh nghiệp hoặc là ở vào thế ngừng bán, hoặc là cố lách luật để chào hàng.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]