Vượt bão là chuyện… xưa rồi
- Bây giờ thì khắp nơi, người ta khoe chuyện “vượt bão”. Ông cũng chia sẻ một chút kinh nghiệm “bão bùng" chứ?
- Nếu là giai đoạn trước, chắc sẽ có nhiều chuyện để nói về cân đối nguồn lực tài chính, ngưng dàn trải... Nhưng thị trường đến thời điểm này cũng được xác nhận là đã vượt qua khó khăn rồi, và giờ thì ai nói gì cũng hay, cũng đúng cả (cười).
Hơn nữa, Xanh Villas tương đối khác biệt, nó không phụ thuộc hay phản ánh thị trường chung một cách rõ rệt như các dự án trong nội thành. Ở vào những thời điểm thị trường khó khăn nhất khi hầu hết các dự án phải dừng, thì Xanh Villas vẫn được triển khai liên tục, và vẫn bán được hàng. Có một giai đoạn đại lộ Thăng Long được gọi là “bãi tha ma” của các dự án, nhưng riêng Xanh Villas thì lại được hưởng lợi thế rất lớn từ đây. Ví dụ, thay vì phải thuyết phục khách hàng rằng tương lai sẽ có trường này trường kia được xây dựng, đội ngũ bán hàng chỉ cần cho họ xem quãng đường đi từ Xanh Villas về các trường cao cấp hiện có ở khu Mỹ Đình chỉ trong 20 phút.
Ông Tô Dũng, Chủ tịch Cty TNHH Xuân Cầu
- Dự án triển khai từ 2007 đến nay có sự thay đổi, điều chỉnh cơ bản nào trong quan điểm và chính sách?
- Định hướng về một dự án văn minh, hài hòa, thân thiện, phát huy được hết những lợi thế về tự nhiên xã hội thì được xác định ngay từ đầu. Còn trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư đã cố gắng theo hướng ngày càng chất lượng hơn, đẹp hơn. Ví dụ như hệ thống điện, lúc mới được phê duyệt có cột điện, dây điện… đi nổi, nhưng sau này được điều chỉnh hạ ngầm. Ngay tại thời điểm này, hầu hết các dự án ở phía Tây Hà Nội từ vành đai 3 trở ra, mới chỉ có Xanh Villas sử dụng nước từ dự án nước sạch Sông Đà và hệ thống điện mới của Hà Nội.
- Để "chiều" một thị trường đang ngày càng khó tính lên?
- Đương nhiên, đó là chuyện sống còn của tất cả các chủ đầu tư. Ví dụ trước đây, chẳng ai nghĩ đến việc phải làm bể bơi trong nhà cả. Tuy nhiên, chất lượng, đẳng cấp còn giúp anh lựa chọn được những khách hàng phù hợp - điều kiện cơ bản nhất để xây dựng thành công một cộng đồng thật sự văn minh. Bởi vậy, đừng chờ đến khi thị trường khó tính lên, mà tốt nhất là chủ đầu tư phải luôn đi trước.
Ngày xưa thì ai cũng là cao cấp
- Phân khúc bình dân được coi là “cứu tinh” cho thị trường BĐS, rất nhiều dự án từng được định vị là trung/cao cấp cũng đã chuyển đổi sang bình dân/ nhà ở xã hội. Ông đánh giá thế nào về vai trò của phân khúc cao cấp trong thời điểm này?
- Với vấn đề này, để các chuyên gia nhìn nhận chắc sẽ bài bản, sâu sắc hơn. Còn chủ đầu tư thì chỉ biết làm ra sản phẩm và mong thị trường đón nhận. Có những điều chúng tôi làm trước đây, không có ai ủng hộ; giờ thị trường xoay ra đúng hướng đó thì cũng chẳng dám lấy ra để khoe khoang. Đúng hay sai, cuối cùng vẫn là anh phải bán được hàng.
Xu hướng như bạn nói, thực chất chính là trả sản phẩm về đúng giá trị thật. Ngày xưa thì không có cấp thấp, ai cũng tự nhận mình là cao. Còn bây giờ, cao cấp phải đúng là cao cấp.
Có những thứ liên quan đến cách tư duy nhiều hơn là vấn đề giá cả. Ví dụ những thứ thuộc về chất lượng, trải nghiệm sống như trồng cây vốn dĩ không tốn mấy tiền, nhưng trước đây người ta cho rằng không cần thiết, không mấy ai quan tâm. Còn giờ đây thì chiều chiều trên đại lộ Thăng Long lũ lượt xe chở cây về Hà Nội.
- Còn vai trò của các gói cứu trợ, ví dụ như gói 30.000 tỷ?
- Nói thực lòng, tôi không nghĩ đây là giải pháp dành cho các chủ đầu tư. Nếu vấn đề nằm ở chỗ sản phẩm không phù hợp thì có bơm bao nhiêu tiền vào nữa cũng chẳng thay đổi được gì. Để chính sách đi vào cuộc sống thì phải tập trung hỗ trợ người mua.
Cần phải "khoe" thêm một chút, là ngược lại thì chủ đầu tư của Xanh Villas thậm chí còn có chương trình chủ động kéo dài tiến độ thanh toán đến 10 năm - cái này còn mạnh hơn là gói 30.000 tỷ hỗ trợ cho khách hàng.
- Ông đang ‘khoe' nguồn lực vững vàng của Xuân Cầu?
- Không, vấn đề không phải nguồn lực mà là nỗ lực của chủ đầu tư thể hiện sự chia sẻ với khách hàng của mình. Chúng tôi muốn tạo điều kiện để thật nhanh có nhiều người đến ở, để hình thành cộng đồng dân cư tại Xanh Villas.
Được mệnh danh là Dũng ‘cây', trong dự án của mình, ông Dũng không hướng đến rừng cây rậm rạp mà muốn phát triển màu xanh tự nhiên khoáng đạt
- Tôi còn nghe một "truyền thuyết" rằng, ông đã tự tay trồng không ít cây xanh trong dự án và từng phát động cả một phong trào trồng cây, nhổ cỏ cuối tuần cho cán bộ nhân viên công ty?
- Các cụ có câu “nuôi cây dưỡng đức”. Cây xanh cũng là cầu nối cụ thể nhất, là biểu hiện rõ rệt nhất để cho người ta thấy và cảm được thiên nhiên. Chúng tôi trồng cây để tạo ra cái khoáng đạt, cái mơn mởn tươi mới, chứ không tham rậm rạp mà đưa cây cổ thụ nơi khác về, tạo cảm giác già cỗi nặng nề. Cây xanh mỗi nơi đều đã được chọn lọc qua nhiều đời, phù hợp với thổ nhưỡng, tự nhiên, rồi dần dần mới cùng với cộng đồng, cùng với những yếu tố xã hội khác tạo thành tập quán, văn hóa, tạo thành nét đặc trưng của mỗi vùng.
- Nghe ra thì có vẻ ông đã đem không chỉ tâm huyết mà còn rất nhiều cái tôi vào dự án?
- Xanh Villas lúc đầu được phê duyệt là dự án bán đất nền. Ở vào thời điểm đó với một chủ đầu tư, thì chẳng có gì đơn giản, nhẹ gánh và kiếm tiền nhanh hơn. Nhưng có lẽ tôi là người hơi “cổ” trong quan niệm, tôi cần một cái gì đấy hoàn thiện, không chỉ biệt thự mà là một không gian kiến trúc, không gian cộng đồng. Tôi muốn xây dựng các dự án theo hướng bền vững, theo một nghĩa rất cổ điển, rất thực chất, chăm chút đến từng cảm nhận của người ở.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]