Không chỉ riêng những ai mới lái xe mà ngay cả tài xế dày dạn kinh nghiệm lâu năm vẫn có thể mắc phải một số lỗi trong quá trình điều khiển ôtô hàng ngày. Dưới đây là những lỗi phổ biến mà các tài xế Việt hay mắc như: cầm vô lăng quá thấp, quên không thắt dây an toàn, đi sai làn, bảo dưỡng xe chưa phù hợp...
1. Cầm vô lăng sai cách:
Nhiều người thường có thói quen cầm vô lăng quá thấp trong khi lái xe. Bạn có biết các nhà sản xuất khuyến cáo tay lái không được hướng vào đầu mà nên hướng vào vị trí xương ức với khoảng cách 25 – 30 cm. Lý tưởng nhất là đặt cả hai tay lên vô lăng, tay trái hướng ở vị trí 9 giờ trên đồng hồ, tay phải hướng 3 giờ và hãy giữ tư thế ngồi thẳng.
2. Quên không thắt dây an toàn:
Đai an toàn là dụng cụ bảo vệ lái xe trong quá trình xe di chuyển, tránh trường hợp va chạm xảy ra và bạn có thể gặp tác động nguy hiểm. Tuy nhiên, nhiều tài xế Việt vẫn thường hay bỏ qua công đoạn cài dây an toàn mỗi khi lên xe. Điều này khiến họ có thể gặp nguy hiểm nếu chẳng may va chạm xảy ra. Do đó, hãy luôn thắt dây an toàn trước khi bạn nổ máy.
3. Đi sai làn đường:
Đây là lỗi mà nhiều lái xe thường hay mắc phải. Nguyên nhân là do bạn đang đỗ xe ở làn đường có vạch kẻ đường rẽ trái hoặc phải nhưng lại đi thẳng hoặc đỗ vào làn đường có chỉ báo đi thẳng nhưng thay vào đó, bạn lại rẽ phải hoặc trái. Do vậy, hãy chú ý quan sát thật kỹ để đảm bảo đi đúng phần đường, hãy quan sát kỹ các biển báo, vạch chỉ đường, Nếu đã trót đỗ sai làn đường, hãy tiếp tục lái xe theo chiều chỉ dẫn rồi quay xe lại. Tuyệt đối không “cố đấm ăn xôi”, quyết tâm lái xe theo hướng mình mong muốn. Bạn sẽ gây cản trở giao thông và tất nhiên, sẽ được các lực lượng chức năng “hỏi thăm”.
4. Chèn vạch liền, đè vạch:
Nhiều lái xe Việt cũng hay mắc phải lỗi này. Khi lái xe từ trên cầu xuống, khi dừng đèn đỏ tại các ngã ba hay ngã tư, khi đi xe trên các tuyến đường liên tỉnh, lái xe do không để ý nên để bánh xe đè lên vạch liền (thường gọi vui là “liếm vạch”). Hoặc ở các đoạn đường hẹp, do mải đánh lái rộng để tránh chạm vào xe khác hay các chướng ngại vật khác nên nhiều tài xế cũng dễ bị “liếm vạch”.
5. Đi vào đường cấm, đường một chiều:
Một số tuyến đường ở Hà Nội chỉ dành cho một chiều xe chạy. Thế nhưng do chủ quan không để ý hoặc vì muốn nhanh thoát khỏi ùn tắc vào các giờ cao điểm nên nhiều tài xế Việt vẫn vô tư chạy theo chiều ngược lại, gây cản trở giao thông.
Tương tự, ở các tuyến đường cấm ôtô, xe tải...đều có biển báo cấm quy định rõ ràng, nhưng nhiều lái xe vẫn “ngó lơ”, điều này gây ảnh hưởng tới các phương tiện khác đang chấp hành đúng quy định khi tham gia giao thông trên đường.
Do vậy, hãy tự nâng cao ý thức chấp hành đúng luật lệ giao thông và xem kỹ bản đồ trước khi bạn quyết định khởi hành ở một tuyến đường nào đó mà bạn chưa quen. Hãy đừng ngần ngại tham khảo ý kiến của những tài xế khác đã thạo cung đường đó.
6. Lỗi dừng xe, đỗ xe sai quy định:
Mặc dù trong cuốn sách hướng dẫn “450 câu hỏi thi sát hạch GPLX” đã quy định rõ đâu là địa điểm được phép dừng, đỗ xe, nhưng do không chú ý quan sát hoặc coi thường luật lệ nên nhiều lái xe vẫn buộc phải “chào hỏi” lực lượng CSGT. Nhiều lái xe dừng hoặc đỗ xe ở những vị trí có thể gây nguy hiểm và cản trở giao thông như: bên trái đường một chiều, trên cầu hoặc gầm cầu vượt, trên đường cao tốc nơi các phương tiện đang di chuyển với tốc độ nhanh...Các lái xe cần tự nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông bởi bảo vệ tính mạng người khác cũng là cách để bạn tự bảo vệ bản thân.
7. Không xi nhan khi rẽ hoặc chuyển làn đường:
Đây cũng là một lỗi nhỏ nhưng nhiều lái xe hay mắc phải. Do nôn nóng muốn chuyển làn đường, do không để ý hoặc “lười” bật xi nhan nên nhiều lái xe vẫn vô tư chuyển sang làn đường mới hoặc cua xe mà không báo hiệu cho các phương tiện phía sau.
8. Vượt xe ở nơi cấm vượt và vượt quá tốc độ cho phép:
Do coi thường pháp luật, do ý thức kém hoặc tâm lý “ăn thua” nên một số lái xe thường có thói quen vượt các xe đang chạy, bất kể đang lưu thông trên đường cấm vượt. Mỗi lái xe cần tự nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông, chú ý quan sát khi đi đường, đặc biệt là các lái mới, tránh tình trạng vượt xe khi đang đi trên đường cấm vượt.
Bên cạnh đó, nhiều tài xế do thói quen phóng nhanh vượt ẩu nên cũng hay vượt xe quá tốc độ cho phép, đặc biệt tại các tuyến đường ngoại tỉnh. Lỗi này thường bị xử phạt rất nặng. Nên nhớ, các đường ngoài khu vực đông dân cư không có biển báo tốc độ, lái xe chỉ được phép đi với vận tốc tối đa 50 km/h. Với các đường có biển báo tốc độ thì hãy nghiêm chỉnh chấp hành quy định giao thông về tốc độ tối đa cho phép.
9. Vượt đèn đỏ:
Hàng ngày, khi đi qua các ngã ba, ngã tư, chúng ta có thể bắt gặp cảnh tượng: trong khi các xe khác nghiêm chỉnh chấp hành hiệu lệnh của đèn giao thông thì có nhiều xe máy, xe đạp, thậm chí ôtô, vẫn ngang nhiên vượt lên ngay cả khi đèn đỏ, gây khó chịu cho những người khác. Thiết nghĩ, phải tăng mức xử phạt lên gấp đôi để răn đe những chủ xe rất thiếu ý thức này.
10. Lười bảo dưỡng xe:
Nhiều lái xe “lười” bảo dưỡng xe định kỳ, chỉ đến khi phát hiện dấu hiệu bất thường nào đó, hoặc khi xe gặp sự cố thì mới nhờ đến các gara ôtô. Bạn nên hiểu, sau một quá trình dài sử dụng, cũng giống như cơ thể chúng ta, các chi tiết trên xe có thể bị xuống cấp hoặc hao mòn, gây nguy hiểm nếu tiếp tục lái xe mà không sửa chữa. Do vậy, cần bảo dưỡng, kiểm tra xe định kỳ như: thay dầu xe, thay lọc gió ôtô, kiểm tra và dọn nội thất, rửa xe, kiểm tra áp suất lốp...để bảo đảm bạn sẽ không phải loay hoay nếu chẳng may gặp sự cố nào đó khi đang lái xe trên đường vắng hoặc ở xa các hiệu sửa chữa ôtô. Ngoài ra, cần luôn mang theo cẩm nang hướng dẫn sử dụng ôtô khi chạy xe trên đường.
11. Không quan tâm tới đèn cảnh báo tại bảng táp lô:
Mỗi khi phát hiện một ký hiệu nào đó tại bảng táp lô đột nhiên phát sáng, hãy ngay lập tức kiểm tra xem vấn đề nào đang xảy ra đối với xe. Nếu không nắm hết ý nghĩa các thông số này, bạn có thể tra cứu trên mạng hoặc cẩm nang hướng dẫn sử dụng ôtô. Rất nhiều tài xế Việt, kể cả những người lái xe lâu năm và những lái mới thường lờ đi các dấu hiệu cảnh báo về dầu phanh, nước làm mát, lọc gió, hay hệ thống điều hòa...và họ khiến tuổi thọ của xe giảm đi nhanh chóng.
12. Phanh xe quá gấp:
Chỉ trong tình huống thực sự khẩn cấp và bạn không kịp xử lý, tốt hơn hết hãy đạp phanh thật nhanh. Còn trong quá trình lái xe hàng ngày, nếu thường xuyên đạp phanh quá gấp, bạn sẽ làm động cơ nhanh bị hao mòn, hệ truyền động và hệ thống phanh nhanh bị hỏng, đặc biệt là má phanh.
13. Lười thay lốp xe, bơm lốp định kỳ:
Mặc dù có vô số bài viết và hướng dẫn tự thay lốp, tự kiểm tra áp suất lốp định kỳ, thế nhưng nhiều tài xế Việt vẫn lười thay và bảo dưỡng lốp thường xuyên, dẫn tới tình trạng lốp xuống hơi nhanh và chóng bị hao mòn. Bạn nên nhớ, lốp xe là chi tiết quan trọng sống còn của xe ôtô và ảnh hưởng rất lớn tới sự an toàn của người lái. Do vậy, đừng bao giờ chủ quan không bảo dưỡng lốp định kỳ bởi bạn sẽ góp phần làm giảm tuổi thọ của xe và các động cơ.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]