Hết thời lãi khủng?
Số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất Xe máy Việt Nam (VAMM) cho thấy, doanh số bán xe máy của 5 DN thành viên (gồm Honda, Piaggio, Suzuki, SYM và Yamaha Việt Nam) trong quý 2/2019 đạt 749.516 xe các loại, giảm 4,39% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là quý thứ hai liên tiếp, doanh số bán hàng của các thành viên VAMM sụt giảm.
Quý 1/2019, doanh số bán hàng của 5 DN trên đạt 753.934 xe, sụt giảm 6,13% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, doanh số bán xe máy của 5 DN lớn đạt 1,5 triệu xe, thấp hơn con số 1.586.500 của cùng kỳ năm ngoái.
Honda Việt Nam - công ty chiếm 74% thị phần xe máy tại Việt Nam, quý 2 vừa rồi có doanh số bán đạt 609.097 xe, tăng 1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, quý 1/2019 chỉ bán được 562.938 xe, giảm 1,1% so với cùng kỳ. Tính 6 tháng đầu năm không có tăng trưởng.
DN chiếm giữ thị phần lớn nhất không có tăng trưởng, trong khi DN có thị phần lớn thứ hai là Yamaha Việt Nam lại sụt giảm liên tiếp từ quý 4/2018 đến quý 2/2019. Các DN còn lại doanh số bán không nhiều, thị phần nhỏ,... dẫn đến tình trạng thị trường xe máy tăng trưởng âm khoảng 5% trong nửa đầu 2019.
Theo dự đoán của các DN, với tình hình như hiện nay thì cả năm 2019, doanh số bán sẽ đạt từ 3,1- 3,38 triệu xe, tức không có tăng trưởng hoặc tăng trưởng âm.
Qua các số liệu, có thể thấy thị trường xe máy tăng trưởng giảm dần theo từng năm. Sau 3 năm (từ 2012-2014) sụt giảm liên tiếp, đến 2015 đà tăng trưởng bắt đầu trở lại mức 4% với hơn 2,8 triệu xe bán ra. Đến năm 2016 tăng trưởng cao nhất, đạt 9,5% với 3,1 triệu xe bán ra. Sang năm 2017 tăng trưởng còn 4,8% với 3,27 triệu xe và năm 2018 tăng trưởng chỉ còn 3,5% với 3,38 triệu xe.
Như vậy đỉnh cao về doanh số bán có thể rơi vào năm 2018 với 3,38 triệu xe, tương đương với năm 2011 đạt 3,37 triệu xe, sau đó là đi ngang hoặc đi xuống.
Các DN nhận định, khoảng thời gian từ 2015-2018, thị trường xe máy tăng trưởng trở lại là do chu kỳ đổi xe mới của người tiêu dùng đồng loạt diễn ra. Cứ sau khoảng 5 năm sử dụng, tính từ thời điểm mua sắm đỉnh cao năm 2011, thì người tiêu dùng lại đổi xe. Chu kỳ này đang có xu hướng lặp lại.
Các DN xe máy hy vọng qua chu kỳ suy giảm, thị trường xe máy sẽ tăng trưởng trở lại
Cùng với đó, xe máy điện ngày càng ra mắt nhiều mẫu mới, pin lưu trữ lâu hơn, đi xa hơn và chi phí rẻ, đang giành thị phần của xe máy chạy xăng. Cộng với xu hướng “lên đời ô tô” đang diễn ra mạnh mẽ khiến nhu cầu về xe máy không tăng nữa. Thị trường xe máy đến thời điểm bão hòa.
Hết thời làm giá
Trên thị trường, nếu đầu năm 2019 vẫn còn hiện tượng những mẫu xe máy ăn khách bị các đại lý nâng giá bán cao hơn giá đề xuất thì nay không còn nữa. Nhiều mẫu xe có giá bán ngang bằng và thậm chí thấp hơn.
Chẳng hạn, mẫu Honda Vision, Lead và Air Blade được nhiều đại lý tại Hà Nội giảm giá bán thấp hơn so với đề xuất từ 500.000-1 triệu đồng, tùy từng phiên bản. Các mẫu xe tay ga của Yamaha Việt Nam như Janus, Grande có giá bán thấp hơn giá đề xuất từ 800.000-1,5 triệu đồng. Các mẫu xe số như Honda Wave Alpha, Wave RSX, Yamaha Sirius và Jupiter,... giá giảm từ 500.000-2 triệu đồng.
Một số đại lý bán xe máy của Honda Việt Nam nhận xét nhu cầu đang giảm mạnh, khách mua xe không nhiều, số lượng xe bán ra hàng ngày giảm, nhất là từ đầu tháng 6 đến nay. Có đại lý Honda doanh số bán giảm hơn 10%, vì vậy phải hạ giá để giành khách. Nếu trước đây chỉ có xe số bán khó khăn, còn xe ga bán rất chạy thì hiện nay cả xe ga cũng bán chậm.
Honda SH - mẫu xe hay bị làm giá nhất
Giảm giá xe thấp hơn giá đề xuất cũng có nghĩa là các đại lý phải chấp nhận giảm hoa hồng được hưởng, thậm chí có mẫu chấp nhận bán bằng giá mua từ nhà máy, có mẫu còn thấp hơn và chịu thua lỗ.
Sau “thời hoàng kim”, kinh doanh xe máy lãi lớn với mức lợi nhuận từ 300-500 triệu đồng/tháng, kéo dài từ 2016 đến 2018 nhờ đông khách, đẩy giá bán lên cao, thì thời kỳ khó khăn đang có nguy cơ trở lại. Giống như thời điểm 2012-2014 mỗi tháng các đại lý thua lỗ khoảng 200 triệu đồng.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng với thị trường xe máy tiêu thụ khoảng 3 triệu chiếc/năm sẽ còn giữ trong thời gian dài và vẫn đem lại cơ hội lớn cho cho các DN. Thu nhập người dân vẫn tăng lên và xu hướng chuyển sang sở hữu xe tay ga đắt tiền vẫn tăng.
Đánh giá về thị trường xe máy Việt Nam, ông Gianluca Fiume, Tổng Giám đốc Piaggio Việt Nam, cho rằng, phân khúc xe tay ga cao cấp sẽ tăng trưởng cao hơn so với mức tăng trưởng chung của toàn thị trường xe máy.
Chẳng hạn, tại Indonesia, hiện xe tay ga chiếm 80% trong tổng xe máy bán ra hàng năm. Nếu lấy quốc gia này làm “thước đo” thì tương lai xe tay ga cũng có thể chiếm đến 80% lượng xe máy bán ra tại Việt Nam. Tuy nhiên, tổng số xe tay ga tiêu thụ mới đạt khoảng 2 triệu chiếc/năm, nếu chiếm 80% thị phần doanh số xe tay ga thời gian tới sẽ phải đạt 2,5 triệu xe/năm. Chính vì vậy, đây vẫn là phân khúc đầy hấp dẫn và hứa hẹn với các DN xe máy.
Ngoài ra, thời điểm 2012-2014, khi tiêu thụ xe máy giảm mạnh, xe ế, giá bán thấp, DN chiếm thị phần lớn đã quyết định không chạy theo doanh số, sản xuất ít hơn nhu cầu. Thế là thiếu xe, các đại lý lại có cơ hội đẩy giá bán tăng cao hưởng lợi.