Trong khoảng một tháng gần đây, Trung Kiên (33 tuổi), ở Bắc Ninh, tìm kiếm một mẫu xe sang giá khoảng 7 tỷ đồng, nhưng không có hàng để mua. Anh cho biết, đa số những mẫu xe sang đã tham khảo của Mercedes, BMW, Lexus đều phải chờ từ 3-6 tháng thậm chí lâu hơn.
Tình trạng khan hàng đang xảy ra trên toàn cầu vì thiếu linh kiện trầm trọng, đặc biệt là các chip điện tử. Những xe hàm lượng công nghệ càng cao, nguồn cung càng thiếu. Sự thiếu hụt chất bán dẫn, đặc biệt từ Trung Quốc vì ảnh hưởng của đại dịch trong hai năm qua là lý do khiến toàn cầu thiếu chip.
Theo đại lý, các dòng xe sang hiện khan hàng vì các nhà máy ở nước ngoài ưu tiên trả đơn hàng cho các thị trường lớn như Mỹ hay châu Âu.
Mercedes G-class Maybach ở một showroom tại Hà Nội. Ảnh: Minh Quân
Các dòng xe sang của Mercedes như GLE, GLS hay S-class mới đang phải ký chờ từ 3 tháng, hơn một năm cho một số phiên bản Maybach, một số mẫu xe như V-class không có thời gian xe về cụ thể.
C-class chỉ mới bán ra các bản nhập khẩu, trong khi xe lắp ráp dự kiến phải đến đầu quý III mới giao cho khách những lô đầu tiên. Hai dòng lắp ráp còn lại là E-class và GLC đang khan hàng, khách đợi 1-2 tháng để nhận xe, tùy vào lượng tùy chọn và màu xe, thời gian chờ đợi có thể lâu hơn.
Đại lý vẫn nhận cọc của khách nhưng thêm thông tin xe khan hàng do thiếu chip, khó xác định chính xác ngày giao. Anh Vĩnh Nam, một chuyên gia bán xe sang lâu năm tại TP HCM, nói khách đã dần quen với tình trạng nguồn cung xe hiện tại. "Ưu tiên của họ bây giờ là có xe gì để mua hơn là mua xe với lựa chọn gì, màu sắc nào", anh cho biết thêm.
BMW đang phải chờ X7 từ 3-6 tháng, một số mẫu như X3 hay series 5 cũng khan hơn, không có sẵn màu để lựa chọn, tuy nhiên một số phiên bản vẫn có xe để giao. Hãng xe sang Đức vốn có nguồn cung khá ổn định dù nhập khẩu toàn bộ, nhưng khoảng một tháng gần đây, nguồn cung hạn hẹp hơn, ít màu và phiên bản.
Lexus, hãng xe sang Nhật Bản, hiện có thời gian ký chờ xa nhất, tới gần một năm. Chiếc LX600 mới ra mắt phải chờ tới giữa năm 2023, hay như RX chờ khoảng 3 tháng. Một số mẫu khác vẫn có xe giao nhưng tùy màu và phiên bản như IS hay ES.
Với Porsche, Land Rover, các hãng bán xe theo dạng cho khách tự chọn "option" sẽ có thời gian chờ lâu hơn. Trước đây, thời gian chờ 6-9 tháng, hiện có thể kéo dài tới 12-14 tháng.
Audi cũng đang phải ký chờ 2-4 tháng cho Q5, các mẫu còn lại như Q7, A4... có xe giao nhưng tùy màu và phiên bản. Tình trạng thiếu chip còn khiến một số xe về Việt Nam bị thiếu "option" như khách mong muốn, một số có thể bổ sung sau, nhưng một số trang bị sẽ phải lắp từ đầu.
Một chiếc Land Cruiser LC300 chính hãng có mức chênh 1,5 tỷ đồng. Ảnh: Minh Quân
Ngoài ra một số hãng xe nhập khẩu các thương hiệu tầm trung như Jeep không ảnh hưởng nhiều do doanh số thấp, thời gian nếu đặt xe theo tùy chọn vẫn kéo dài 3-6 tháng do nhập Mỹ và về từng lô. Trong nhóm xe cao cấp của thương hiệu phổ thông, Toyota Land Crusier LC300 cũng đang có thời gian ký chờ lên tới hơn một năm, và chưa có lịch giao xe cụ thể.
Việc phải chờ đợi lâu cũng khiến nhiều khách hàng mất kiên nhẫn, lượng xe đặt cọc vì thế chỉ còn khoảng một nửa tới hai phần ba so với năm ngoái, ở hầu hết các hãng, thậm chí có đại lý chủ động không nhận đặt cọc của khách hàng. Bên cạnh đó, xe không chính hãng cũng là một lựa chọn.
Một số đơn vị nhập khẩu tư nhân tranh thủ thời gian hãng thiếu xe đã tích cực đưa các mẫu xe đang "hot" như Mercedes G63 hay GLS, LX600 để phục vụ khách hàng. Tuy nhiên, mức giá cũng bị đẩy lên do chi phí cao hơn, thời gian chờ cũng lâu hơn trước đây từ 4-6 tuần.
Tình trạng thiếu linh kiện cũng dẫn tới một điểm bất lợi cho khách. Ngoài việc không có xe giao, thì một số hãng xe như Lexus, Mercedes tăng giá bán, BMW cắt khuyến mại, thậm chí một số dòng xe của các hãng còn bị kênh giá từ 200-500 triệu. Toyota Land Crusier LC300 bị kênh giá đỉnh điểm lên tới 1,5 tỷ đồng cho suất giao ngay.
Tình trạng thiếu hàng không chỉ xảy ra ở xe sang nhập khẩu mà ngay cả xe phổ thông lắp ráp và nhập khẩu. Những hãng lắp xe trong nước như Hyundai, Thaco, VinFast đều đang thiếu linh kiện. Khách hàng mua xe của Toyota, Hyundai, Ford hiện gặp tình trạng "bia kèm lạc" với mức chênh giá tiền mặt hoặc phải mua thêm phụ kiện giá hàng trăm triệu đồng. Hầu hết hãng đều chưa thể đưa ra nhận định khi nào nguồn cung ổn định trở lại.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]