Có nhiều nguyên nhân khiến xe Honda Lead bị chết máy, tuy nhiên lọc gió quá bẩn là yếu tố thường gặp. (Ảnh: Honda Việt Nam)
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc xe Honda Lead đang đi bị chết máy bất ngờ, trong đó lọc gió quá bẩn là yếu tố thường gặp.
Chuyên trang ôtô-xe máyAutocar Vietnam ghi nhận trường hợp chiếc xe Honda Lead của chị Huyền (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang di chuyển bình thường thì máy lịm dần và chết hẳn.
Chị đã kiểm tra xăng vẫn còn đầy bình, cố gắng đề nổ lại nhiều lần nhưng vẫn không thể khởi động được máy. Nguyên nhân sau đó được xác định là lọc gió quá bẩn gây nên bí khí làm sục xăng và hỏng bugi khiến xe không di chuyển tiếp được. Tuy nhiên, còn nhiều nguyên nhân khác dẫn tới việc xe đang đi bị chết máy bất thường.
Triệu chứng của hiện tượng này có thể là xe đang di chuyển bình thường thì ga không lên và bị hụt rồi chết máy, đề kéo dài nhưng vẫn không thể nổ máy lại. Cũng có lúc xe đang đi bị giật giật, lịm máy và dừng lại, ga không lên.
Nguyên nhân
Nghi ngờ đầu tiên là việc nhiên liệu không đạt tiêu chuẩn, xăng bị lẫn tạp chất hoặc nước lã có thể tắc kim phun gây giật xe hoặc không nổ. Bugi lâu ngày không bảo dưỡng hoặc thay thế khiến muội than bám nhiều, tẩu bugi bị nứt hỏng. Trường hợp của chị Huyền nêu trên là do quên thay lọc gió định kỳ khiến bụi bẩn bám nhiều, gây bí khí làm sục xăng dẫn tới hỏng luôn cả bugi xe.
Việc quên thay dầu hoặc dầu máy không đạt tiêu chuẩn cũng khiến dầu bị cạn, gây bó máy khiến xe dừng lại. Xéc-măng hỏng khiến xe bị ăn dầu gây cạn hoặc xupáp bị kênh gây hở làm mất hơi cũng khiến xe không vận hành được. Một số lỗi đến từ hệ thống phun xăng điện tử như tắc kim phun, lỗi bảng mạch,... Hoặc người sử dụng quên bổ sung hay thay nước làm mát khiến máy bị nóng và gây bó máy.
Khắc phục và sửa chữa
Khi đang di chuyển bình thường mà ga không lên hoặc chết máy đột ngột thì việc đầu tiên cần làm là cho xe ra khỏi phần đường xe chạy để tránh làm tắc nghẽn giao thông hoặc tai nạn do dừng bất ngờ. Sau đó cần kiểm tra xem xăng còn hay đã hết, nếu xăng còn thì cần kiểm tra xem có điện không bằng cách bấm đề nổ, nếu cục đề vẫn chạy thì xe có điện.
Nếu bạn có đủ dụng cụ thì bước tiếp theo là kiểm tra bugi bằng cách tháo bugi ra khỏi máy nhưng vẫn gắn đầu tẩu và đề nổ xem có điện bắn ra ở hai cực bugi hay không. Lấy ngón tay cái hoặc khăn lau bịt vào lỗ bugi và đề nổ để kiểm tra áp suất, nếu ngón tay bị bật ra nghĩa là hơi còn tốt. Nếu không có hơi thì có thể xupáp bị kênh. Việc điều chỉnh kênh xupáp cần những người thợ lành nghề và có uy tín.
Nếu để nguội máy mà đề nổ được thì có thể do bó máy xuất phát từ việc cạn dầu. Kiểm tra lọc gió xem có bị bụi bẩn bám quá nhiều gây tắc đường dẫn khí hay không. Nếu lỗi xuất phát từ hệ thống phun xăng điện tử, cần đưa tới đại lý để chạy lại chương trình mới.
Khuyến cáo
Nếu là người hay quên, bạn hãy làm một cuốn sổ ghi đầy đủ lịch ngày tháng bảo dưỡng xe. Chỉ bảo dưỡng định kỳ tại những cơ sở có uy tín. Khi bảo dưỡng cần chú ý kỹ các bộ phận như lọc gió, củ đề, bugi, căn chỉnh xupáp, đường dẫn xăng, kim phun, dầu máy,... Thường xuyên kiểm tra nước làm mát để bổ sung kịp thời tránh hiện tượng cạn sạch nước làm mát gây nên nhiều hậu quả lớn khác./.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]