Bài viết chủ yếu nêu những kinh nghiệm với ô tô, còn với người điều khiển xe máy cũng có thể học hỏi. Tuy nhiên, lời khuyên chân thành là đi xe máy thì tuyệt đối tránh mưa bão.
Việc đầu tiên, hãy đảm bảo chiếc xe của bạn được an toàn. Nếu bạn đang ở trong nhà, hãy chú ý đến chiếc xe, hoặc bãi đỗ xe của mình. Không nên để xe dưới các gốc cây, cột điện, cột đèn đường… Hãy mang chiếc xe của mình đến một nơi an toàn hơn như trong nhà (nếu có thể); hầm chung cư (hãy chắc chắn rằng hầm không bị ngập nước) hoặc các bãi đỗ xe công cộng, ít cây lớn xung quanh…
Hãy tránh xa những gốc cây to
Nếu buộc phải ra ngoài, trước khi di chuyển, bạn nên kiểm tra một số chi tiết của xe, để đảm bảo chiếc xe sẵn sàng nhất cho việc di chuyển dưới trời bão. Kiểm tra lốp xe, áp suất lốp, cao su gạt nước trước/ sau, các thiết bị đèn chiếu sáng, báo rẽ, đèn sương mù …
Nếu trời mưa lớn, bạn nên bật hệ thống đèn chiếu sáng và đèn sương mù (nếu có). Hệ thống đèn sẽ giúp các phương tiện khác nhìn thấy bạn rõ hơn trong thời tiết mưa lớn. Nếu chiếc xe của bạn được trang bị hệ thống gạt mưa tự động, hãy chú ý đến các nấc chỉnh tốc độ gạt mưa.
Hạn chế vượt hoặc đi song song nhau khi đường ngập
Nên nhớ, chiếc xe mà bạn đang di chuyển không được thiết kế để lội nước, nên mực nước mà xe bạn có thể vượt qua ở mức an toàn là dưới 25cm và không vượt qua tâm của bánh xe. Nếu mực nước cao hơn, bạn nên xem xét di chuyển theo cung đường khác. Bên cạnh đó, bạn cũng nên chú ý đến các phương tiện di chuyển ngược chiều có thể tạo sóng nước cao, khiến nước tràn lên nắp capo và lọt vào khoang máy. Một số người khi quyết định lội xe qua nước sâu, còn tháo bộ lọc gió động cơ để lấy gió trực tiếp từ khoang động cơ vào.
Hãy di chuyển chậm, vào số thấp để tránh việc nước tràn vào khoang động cơ
Khi di chuyển qua vùng nước ngập, bạn nên đi xe ở số thấp. Với xe số tự động, bạn có thể chuyển sang chế độ bán tự động và về cấp số 1. Với xe số sàn, bạn nên đi ở cấp số 1, đều ga. Việc này nhằm giảm khả năng nước tràn vào ống xả, có thể tràn tới động cơ, gây chết máy nếu bạn di chuyển ở cấp số không phù hợp. Bạn cũng nên cân nhắc việc có nên tắt điều hòa hay không. Nếu tắt hệ thống điều hòa, động cơ xe sẽ khỏe hơn nhờ việc không phải chia sẻ công suất cho dàn điều hòa. Tuy nhiên, tắt điều hòa cũng sẽ làm kính lái bị tụ hơi nước, gây khó khăn cho việc quan sát.
Hãy đi chậm và đều chân ga khi di chuyển qua khu vực ngập nước. Việc thốc ga sẽ khiến lực nước tạt vào gầm xe, vô hình chung nâng chiếc xe lên khiến bánh xe không tiếp xúc với mặt đường, khả năng xe bị trôi, mất lái và quay ngang sẽ là cao. Việc đi nhanh cũng khiến mực nước bị đẩy, dâng cao hơn và có thể tràn vào khoang máy hoặc gây sóng nước tạt vào những phương tiện xung quanh.
Cần hết sức bình tĩnh trong những pha đối đầu như thế này
Khi di chuyển, nên duy trì khoảng cách thích hợp với xe phía trước, cách tốt nhất là nếu có thể, bạn hãy cách xa hơn bình thường, quan sát những chướng ngại vật mà xe đi trước gặp phải. Không nên chạy song song với bất cứ chiếc ô tô nào. Cố gắng tránh bị động và dự đoán trước tình huống mình sắp gặp phải. Bạn nên đi ở giữa làn đường, vì đa số hai bên đường đều trũng, nước ngập sâu hơn…
Cần trang bị những kiến thức cơ bản khi xe ngập nước
Nếu đang di chuyển qua vùng nước, xe chết máy, bạn tuyệt đối không được khởi động lại động cơ. Việc này tiềm ẩn nguy cơ khiến nước bị hút vào sâu trong khoang máy, gây hiện tượng ‘thủy kích’ dẫn đến cong tay biên. Tệ hại hơn, khi bạn cố khởi động, tay biên sẽ chọc thủng lốc máy, dẫn đến hậu quả khôn lường!
Nếu xe bị chết máy giữa vùng nước, hãy bật đèn cảnh báo và lập tức gọi cứu hộ. Bạn nên xem xét nước xung quanh có ngập đến cửa xe hay không, trước khi bước ra khỏi xe. Nước tràn vào trong ca-bin sẽ làm hư hại các hệ thống điện tử.
Đừng để mình và xe thành nạn nhân của thủy thần
Theo - Tinmoi.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]