Cách thành phố Hòa Bình khoảng 10 km, bản Giang Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong từ lâu đã là điểm đến đầy hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Bản nằm khép mình trong thung lũng dưới chân núi Mỗ. Cuộc sống êm đềm của hơn một trăm hộ gia đình người Mường tuy đơn sơ nhưng lại cuốn hút du khách bởi nét văn hóa trong sinh hoạt và lối kiến trúc nhà sàn hiện còn lưu giữ nhiều dấu ấn của nếp nhà Mường cổ trước đây.
Xa xa, những mái nhà nép mình vào chân núi.
Dạo bước trên con đường uốn lượn từ ngoài đường chính vào đến cuối bản, bạn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của núi rừng hoang sơ. Giữa không gian khoáng đạt của cảnh sắc, du khách sẽ bắt gặp những ngôi nhà sàn dựa lưng vào núi hoặc xây trên mảnh đất cao theo kiểu nhà rùa được dựng quây quần bên nhau, thể hiện tính gắn kết cộng đồng gắn liền với phong tục, tập quán và đời sống sinh hoạt của người dân bản Mường.
Người Mường Giang Mỗ rất hiếu khách. Bạn có thể ghé thăm và ở lại bất cứ ngôi nhà nào trong bản. Những người đàn ông trong bản lúc nông nhàn thường tiếp đãi khách lạ tới chơi nhà bằng tiếng sáo du dương. Bên vò rượu cay thơm đậm đà, chủ nhà tâm sự với khách đường xa những nét độc đáo trong phong tục tập quán, văn hóa của người dân nơi đây. Tuy nhiên, đa số đồng bào Mường sống tại đây ít mặc quần áo dân tộc. Mặc dù vậy, họ vẫn lưu giữ, bảo tồn nguyên vẹn những nét truyền thống đặc trưng, đậm đà bản sắc dân tộc.
Bữa ăn đậm chất núi rừng thể hiện tình cảm yêu mến của chủ nhà đối với khách.
Người Mường bản Giang Mỗ luôn sẵn lòng đãi đằng khách quý những sản vật của núi rừng bằng nguyên liệu tự trồng trọt, săn bắt được như xôi nếp nương, xôi cẩm, thịt lợn cỗ lá, thịt trâu lá lồm, gà rừng, măng đắng, cá suối đồ, rượu cần, rượu chuối… Tất cả được chủ nhà chế biến thành những món ăn truyền thống, bày biện khéo léo trên những tàu lá xanh, thể hiện sự trân trọng, gìn giữ nét đẹp trong văn hóa ẩm thực xa xưa của dân tộc. Những sản vật của núi rừng và sự nhiệt tình, hiếu khách của dân bản luôn làm hài lòng, để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.
Phụ nữ Mường rất giỏi đan lát, dệt thêu, chăm lên nương rẫy nên thường tự tay làm ra những sản phẩm thủ công truyền thống như mây tre đan và thổ cẩm để giới thiệu đến khách du lịch.
Phụ nữ và trẻ em bản Mường giản dị trong lao động hằng ngày.
Người dân Giang Mỗ thường lưu giữ nét văn hoá văn nghệ dân gian qua các tiết mục ca múa nhạc Mường cổ trong những ngày hội làng, với tiếng chiêng, tiếng kèn, tiếng trống. Bên cạnh đó, du khách khi đến với bản còn được tham gia vào các sinh hoạt thường ngày của người dân như lên rẫy, câu cá suối và săn thú rừng.
Du lịch đến thăm bản Giang Mỗ, du khách có thể kết hợp ghé thăm những địa điểm gần như tượng đài chiến công diệt xe tăng của Anh hùng Cù Chính Lan, Bảo tàng không gian Văn hóa Mường, khu du lịch Hồ Hòa Bình, hoặc cảng du lịch Thung Nai…
Lũy tre xanh dẫn đường du khách tới thăm bản Giang Mỗ.
Nhà văn hóa bản Giang Mỗ.
Đến đây du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống giữa núi rừng hoang sơ và cuộc sống sinh hoạt đậm chất Mường.
Những mái nhà trên núi yên bình và mộc mạc.
Không gian nơi đây thích hợp cho du lịch khám phá và trải nghiệm cộng đồng.
Theo Vntravellive
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]