"Điều này là rất sai lầm và cần phải chấn chỉnh lại"
Tiến sĩ Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho rằng, với người trưởng thành có ý thức đầy đủ, việc chữa thừa cân béo phì đã khó, với trẻ nhỏ càng khó hơn vì các bé đang tuổi ăn, tuổi lớn trong khi cha mẹ thì luôn có tâm lý chiều con.
Lý giải về nguyên nhân của tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ, theo TS Ngữ, trước hết, xuất phát từ quan điểm, nhận thức khá lệch lạc đã có lâu nay của nhiều bố mẹ, ông bà: "Vì quan niệm thừa cân mới là đẹp nên nhiều trẻ đủ cân rồi nhưng ông bà, bố mẹ vẫn cố nhồi cho trẻ ăn thêm để mập mạp, bụ bẫm, béo khỏe béo đẹp hơn.
Một số phụ huynh, dù biết rõ nguy cơ thừa cân, béo phì và các bệnh mạn tính nhưng vẫn lựa chọn thực phẩm giàu chất béo vì tin rằng các thực phẩm này giúp trẻ tăng cân, tăng chiều cao nhanh chóng. Điều này là rất sai lầm và cần phải chấn chỉnh lại".
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, một trẻ được xem là béo phì hay nặng cân quá khi nó nặng hơn mức trung bình so với chiều cao và độ tuổi từ 20% trở lên.
Khi thấy trẻ tăng cân nhiều mỗi tháng và tăng liên tục, trẻ luôn ăn nhiều hơn khẩu phần quy định, thích ăn đồ xào rán và đồ ngọt, ít ăn rau, ăn tối muộn, lười vận động…, thì đã có dấu hiệu của béo phì.
"Hiện tại, chưa có số liệu chính xác về thừa cân, béo phì đến khám và điều trị tại Viện Dinh dưỡng, nhưng qua theo dõi, trực tiếp khám tư vấn dinh dưỡng, nhận thấy số trẻ bị thừa cân, béo phì đến khám ngày càng gia tăng, khoảng 9-10% số trẻ tại Hà Nội đến khám tại Viện Dinh dưỡng.", TS Hưng nói.
Khi các bà mẹ nổi nóng, nghi ngờ bác sĩ
Theo TS Nguyễn Trọng Hưng, trẻ thừa cân, béo phì thường vụng về, chậm chạp, hay bị bạn bè trêu chọc ảnh hưởng đến tâm lý và khả năng học tập.
Hơn nữa, việc điều trị những bệnh này lại góp phần làm tăng cân hoặc hạn chế hoạt động như vậy càng làm béo hơn.
Ông cũng cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân gây béo phì như di truyền và các nghiên cứu đã chỉ ra, nếu bố mẹ mắc bệnh béo phì thì con cái sẽ có khả năng mắc bệnh gấp 4-8 lần so với người bình thường.
Cùng với đó, do trẻ lười vận động, ham thích trò chơi điện tử, xem tivi hay ảnh hưởng của tâm lý như những trẻ bị trầm cảm, stress, có nguy cơ mắc bệnh béo phì cao hơn các trẻ bình thường.
Tuy nhiên, qua việc tư vấn, thăm khám, nguyên nhân thường gặp nhất, TS Hưng cho rằng, là do sai lầm trong nhận thức, cách chăm sóc chế độ dinh dưỡng của trẻ ở bố mẹ.
Trong đó, không ít bố mẹ cho trẻ ăn quá nhiều chất béo, dầu mỡ, đồ ăn nhanh, nước soda, ăn quá nhiều thức ăn trong ngày khiến dư thừa calo…
Lại có phụ huynh khuyến khích, khen thưởng trẻ bằng các đồ ăn vì làm thế sẽ khiến trẻ cảm thấy đó là điều cần phấn đấu và luôn cố gắng để được khen thưởng "đồ ăn".
Các phụ huynh khác thấy con béo từ nhỏ nhưng cũng không quan tâm nhiều, để mặc con ăn thoải mái các đồ ăn nhanh, nước ngọt, cộng thêm lười vận động, dẫn đến béo phì, đường huyết tăng cao.
Một trường hợp cụ thể mà TS Hưng nhớ rất rõ là bé gái ở Hà Nội mới 24 tháng tuổi nhưng đã nặng 20 kg. Bố mẹ cho biết, cháu ăn không biết no và có thể ăn hết cả chục xiên thịt nướng.
Qua kiểm tra, bác sĩ kết luận cháu bé phì độ 3. Khi thầy thuốc yêu cầu gia đình phải kiểm soát cân nặng, theo dõi chuyển hóa thì bố mẹ mới thay đổi suy nghĩ béo khỏe béo đẹp.
Bố mẹ hiểu biết rộng, nhưng lại không có kiến thức dinh dưỡng
TS Hưng cho biết "Tôi thấy không ít bố mẹ dù có kiến thức, hiểu biết nhiều mặt nhưng lại không có kiến thức về dinh dưỡng".
"Nước ngoài thì không có những chuyện này nhưng ở Việt Nam, khi tư vấn, tôi hay gặp các mẹ tự mình quyết định chọn mua, sử dụng các loại thực phẩm cho con chỉ dựa trên quảng cáo hay, dựa trên cảm giác tự thấy tốt, hoặc dựa trên tư vấn trên hội nhóm...
Khi con có vấn đề về dinh dưỡng họ cũng đưa đến bác sĩ thăm khám, tư vấn, nhưng khi thấy bác sĩ nói khác với những lời khuyên cảm tính trên mạng, thì họ nhảy dựng, sửng cồ lên, nghi ngờ, nói bác sĩ sai chỉ vì bác sĩ "dám" tư vấn khác cư dân mạng… Mọi người cần hiểu, dinh dưỡng là một quá trình dài chứ không thể nhanh, đi tắt", TS Hưng chia sẻ.
Bác sĩ Hưng nêu rõ, để hạn chế trẻ thừa cân, béo phì chúng ta cần có các biện pháp thay đổi, cải thiện những thói quen chưa hợp lý.
Trong đó, nên phối hợp nhiều loại thực phẩm phù hợp với lứa tuổi, cho trẻ ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, uống nước hoa quả…
Nên chia nhỏ bữa ăn và không để trẻ quá đói khiến ăn nhiều hơn vào bữa ăn sau, có thể cho trẻ ăn làm nhiều bữa mỗi bữa ăn một lượng vừa phải.
Cho trẻ ăn đúng giờ, không cho trẻ ăn nhiều trước khi đi ngủ tối, không cất giữ nhiều các thực phẩm nhiều năng lượng ở nhà như pho mát, bơ, bánh kẹo, kem, nước ngọt, bim bim…
Thêm vào đó, nên khuyến khích và cùng trẻ tập thể dục thể thao, rủ trẻ cùng giúp làm việc nhà… Đồng thời, nên đi đến gặp các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng để có lời khuyên tốt nhất.
Ai biết đọc thành phần dinh dưỡng trên bao bì?
Một trong những điều ám ảnh sác sĩ Nguyễn Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Y - Xã hội, là sự quan tâm và hiểu biết của bố mẹ đối với các chỉ số dinh dưỡng ghi trên bao bì sản phẩm.
Theo một nghiên cứu của Viện này, có khoảng 1/3 bà mẹ có con thừa cân không biết rằng con mình đang ở trong tình trạng này và 15% vẫn mong muốn bé tiếp tục tăng cân.
Một điều hết sức đáng ngại khác được nhóm nghiên cứu chỉ ra là tỷ lệ bà mẹ có kiến thức và quan tâm đọc thành phần dinh dưỡng trên nhãn mác sản phẩm dinh dưỡng còn rất thấp (0,5-3%). Đặc biệt hầu hết (90%) các bà mẹ quyết định mua sản phẩm chỉ dựa trên các thông tin quảng cáo.
Theo nhiều chuyên gia, xem quảng cáo mà không tìm hiểu kỹ thành phần dinh dưỡng của sản phẩm, không lựa chọn những thương hiệu uy tín và không tham vấn bác sĩ – chuyên gia dinh dưỡng, các bố mẹ rất dễ đẩy con vào vòng xoáy suy dinh dưỡng hoặc béo phì.
Theo Nestlé Việt Nam - đơn vị tiên phong trong việc công bố Mức đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày (Guideline Daily Amounts – GDA) trên bao bì sản phẩm – thì bố mẹ cần biết đọc thông tin 4 thành phần dinh dưỡng sau:
+ Năng lượng – năng lượng cần thiết cho mọi hoạt động của con người.
+ Đường – được tìm thấy trong trái cây, các thực phẩm ngọt khác và nhiều loại thức uống (theo Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia công bố người bình thường nên tiêu thụ ít hơn 25g đường/ngày).
+ Chất béo – cung cấp năng lượng, nhưng nếu dùng quá nhiều sẽ không tốt cho cân nặng và tim mạch (theo Viện Dinh Dưỡng Quốc gia công bố người bình thường nên tiêu thụ ít hơn 56g chất béo/ngày).
+ Natri – là một thành phần của muối ăn. Hấp thu nhiều natri có thể dẫn đến cao huyết áp (theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia công bố người bình thường nên tiêu thụ ít hơn 2g natri/ngày).
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]