VinFast là dự án đầy tham vọng của Tập đoàn Vingroup. Với quy mô 35.000 tỷ đồng, dự án có quy mô 335ha này được kỳ vọng sẽ khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ sản xuất ô tô thế giới với công suất thiết kế giai đoạn 1 đạt 250.000 xe máy điện/năm và 250.000 ô tô/năm.
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2018 của Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng đã chia sẻ chi tiết về chiến lược và tầm nhìn dành cho VinFast.
Theo ông Vượng, định hướng trước tiên của VinFast là thị trường trong nước, chứ không phải nước ngoài. Điều này cũng dễ hiểu, bởi Vingroup hiện chưa có uy tín, tên tuổi gì trên thị trường ô tô. Đối với thị trường trong nước, ông Vượng cho rằng, cạnh tranh rất lớn, nhưng khả năng thành công của VinFast cũng rất cao nếu làm tốt, bởi 3 lý do.
Thứ nhất, xe của VinFast là xe xịn, có chất lượng vượt trội so với thị trường bởi được sản xuất trên dây chuyền với mức độ tự động hóa rất cao. Theo ông Vượng, chỉ tính riêng xưởng hàn của VinFast đã có tới 1.200 con robot làm việc. Các xưởng động cơ, xưởng làm các chi tiết khó như hệ thống truyền động... cũng đều được tự động hóa.
Ông Vượng ví von, chiếc xe của VinFast khi ra đời sẽ có tiếng đóng cánh cửa "thun thút" như các dòng xe nhập khẩu cao cấp, chứ không "rầm" như các xe lắp ráp.
Thứ hai, tuy chưa tiết lộ mức giá nhưng ông Vượng khẳng định, giá thành VinFast "sẽ rất khác" do được đầu tư từ đầu và sản xuất. Chiến lược của VinFast thời gian đầu là chiếm thị trường, không đặt nặng câu chuyện lợi nhuận và trong nhiều trường hợp, sẽ phải có chế độ khuyến mại thật phù hợp với thị trường.
Chủ tịch Vingroup tin rằng, khi đưa ra thị trường, VinFast sẽ tạo ra những cú hích rất mạnh mẽ và bán được số lượng xe rất lớn.
Thứ ba, chế độ hậu mãi, chăm sóc khách hàng, khuyến mại... vô cùng đa dạng và phong phú, khác với những hệ thống đang kinh doanh trên thị trường bây giờ. VinFast cũng sẽ hỗ trợ và được hỗ trở bởi các thương hiệu khác trong hệ sinh thái của Vingroup.
Về lâu dài, VinFast sẽ xuất khẩu. Ông Vượng lấy dẫn chứng Hyundai khi gia nhập thị trường Mỹ đã chiếm tới 10% thị phần chỉ trong một thời gian ngắn, bởi ở thị trường này, cứ xe tốt, xe rẻ, xe phù hợp là sẽ bán được hàng.
Trên cơ sở đó, ông Vượng tin rằng nếu xuất khẩu sang những thị trường mà Vingroup có thế mạnh như Liên Xô cũ, khả năng thành công sẽ rất cao bởi đây là nơi các lãnh đạo của công ty từng học tập, sinh sống hơn 20 năm, có nhiều mối quan hệ, hiểu rõ thị trường và đây cũng là nơi có dân số trăm triệu người.
"Tại sao không phải là VinFast? VinFast cạnh tranh với Lada, Volga chẳng nhẽ lại không thành công hay sao?", ông Vượng nói.
VinFast không chỉ là câu chuyện hiện thực hóa giấc mơ của người Việt là có ô tô, mà điều ông Vượng mong muốn là làm ra ô tô xịn, và đây cũng là một hướng kinh doanh rất chiến lược về lâu dài.
"Về lâu dài, VinFast sẽ là trụ cột chính của Vingroup về kinh doanh. Đi kèm với VinFast không chỉ là sản xuất ô tô, mà một khi chúng ta bước chân vào lĩnh vực công nghiệp nặng, chúng ta nắm bắt được công nghệ, kỹ thuật, có uy tín, có điều kiện thì chúng ta có thể sản xuất rất nhiều thứ.
Với hệ sinh thái rộng lớn, với năng lực quản trị, đây sẽ là một chân trời mới cho Vingroup", ông Vượng khẳng định.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]